Ngày 5/4, máy bay trực thăng Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty trực thăng miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển, chở 4 khách du lịch người Việt Nam thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh Vịnh Hạ Long từ trên cao, cất cánh lúc 16 giờ 56 phút; mất liên lạc lúc 17 giờ 15 phút
Đêm 5/4, lực lượng chức năng tìm thấy 3 thi thể cùng một số mảnh vỡ nghi là của máy bay gặp nạn. Trưa 6/4, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4 cùng hộp đen của trực thăng, trục vớt thành công phần thân và đuôi trực thăng gặp nạn.
Theo một số đơn vị cung cấp dịch vụ tour du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long bằng trực thăng, giá vé mà khách du lịch phải trả đã bao gồm bảo hiểm du lịch. Giá dịch vụ cho bay du lịch bằng trực thăng dao động từ 2,2 - 6,16 triệu đồng/khách.
Một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh vịnh Hạ Long cũng cho biết mức cam kết bồi thường thiệt hại cho các sự cố hàng không lên tới 30 triệu USD/sự vụ (tương đương 703 tỷ đồng). Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công.
Theo tìm hiểu, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam vào tháng 4/2022 đã ký kết hợp đồng bảo hiểm hàng không giai đoạn 2022-2023 với Liên danh bảo hiểm PVI – Bảo hiểm Bảo Việt – MIC.
Liên danh bảo hiểm này đứng đầu là Tổng công ty bảo hiểm PVI cùng Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).
Được biết, PVI vào năm 2016 đã bồi thường 3,5 triệu USD cho vụ máy bay rơi tại Vũng Tàu. Cụ thể, với tư cách là nhà bảo hiểm gốc cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, PVI đã hoàn tất các thủ tục có liên quan và giải quyết bồi thường tổn thất toàn bộ hân máy bay cho máy bay trực thăng EC 130T2 số đăng ký VN-8632 bị tai nạn trong quá trình bay tập tại Vũng Tàu vào ngày 18/10/2016 với số tiền bồi thường 3,5 triệu USD.
Ngay trong ngày xảy ra sự cố tai nạn, PVI đã tạm ứng hỗ trợ cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam số tiền 500 triệu đồng/gia đình phi công hy sinh, tổng cộng đã tạm ứng 1,5 tỷ đồng cho 3 gia đình phi công hy sinh.