ONFOD giả mạo chứng nhận
Thực phẩm là những sản phẩm tác động lớn đến sức khoẻ con người, đồng thời là mặt hàng rất dễ bị tấn công bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Để đảm bảo chất lượng thực phẩm, góp phần xử lý hàng giả, bảo vệ quyền lợi cho chính mình, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm cho mặt hàng thực phẩm mà mình đang sản xuất.
Trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, ngoại trừ việc phải tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, các sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng. Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cho người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, đối với doanh nghiệp, khi sản phẩm được công bố tiêu chuẩn áp dụng rõ ràng có nghĩa sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn đảm bảo phù hợp quy định trong tiêu chuẩn. Điều này tạo lòng tin cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp; giúp người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu dễ dàng mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm.
Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng khẳng định và thể hiện sự tuyên bố với cộng đồng về trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng nghĩa là tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực mà đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp luôn nỗ lực phấn đấu để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn thay đổi quá trình sản xuất, từng bước áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến với mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt. Kết quả là nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp còn thờ ơ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm kém hoặc chất lượng hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp “thổi phồng” chất lượng sản phẩm để lừa dối đối tác, khách hàng, người tiêu dùng về sản phẩm đang cung cấp. Một trong những hành vi hết sức nguy hiểm, đáng lên án là việc giả mạo giấy chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy.
Gian hàng Shopee với tên gọi "ONFOD-THỰC PHẨM HỮU CƠ" đang giả mạo chứng nhận để quảng cáo.
Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh từ Công ty Cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam về việc thương hiệu thực phẩm ONFOD có dấu hiệu giả mạo giấy chứng nhận của tổ chức này để kinh doanh sản phẩm thực phẩm trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Cụ thể, trên sàn Shopee đang có một gian hàng mang tên "ONFOD-THỰC PHẨM HỮU CƠ" quảng cáo và bán nhiều loại thực phẩm (mì chũ, gạo lứt, bún gạo lứt, hạt dinh dưỡng, hạt ngũ cốc...). Theo số liệu ghi nhận từ Shopee, gian hàng này niêm yết và giới thiệu tổng cộng 76 sản phẩm với số lượng bán lên tới hàng trăm nghìn sản phẩm.
Số liệu niêm yết cho thấy gian hàng này có tổng số 76 sản phẩm với hàng trăm nghìn lượt bán.
Trên gian hàng mang tên "ONFOD-THỰC PHẨM HỮU CƠ", ngoài việc quảng cáo về sản phẩm thực phẩm còn có thông tin quảng cáo thương hiệu ONFOD đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam cấp giấy chứng nhận ISO 22000: 2018 về an toàn thực phẩm. Kèm theo đó là hình ảnh giấy chứng nhận theo mẫu mà Công ty Cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam hiện đang cấp cho khách hàng.
Tuy nhiên, hình ảnh về giấy chứng nhận được che đi một phần thông tin về tên và địa chỉ chủ sở hữu. Theo khẳng định của Công ty Cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam, Good Việt Nam không tiến hành cấp chứng nhận ISO 22000:2018 cho đơn vị nào mang tên "ONFOD".
Good Việt Nam không cấp giấy chứng nhận ISO 22000:2018 cho đơn vị nào mang tên ONFOD.
Không chỉ quảng cáo chứng nhận ISO 22000:2018, gian hàng của ONFOD còn đăng tải một số giấy tờ khác như chứng nhận hữu cơ được cấp bởi Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và hình ảnh một số giải thưởng mà ONFOD giành được. Tuy nhiên, việc ONFOD có được cấp những chứng nhận này thật hay không cần phải làm rõ.
Đơn vị, cá nhân nào đang sở hữu thương hiệu ONFOD?
Để tìm hiểu thông tin về đơn vị đang kinh doanh, sở hữu các sản phẩm ONFOD, phía Công ty Cổ phần Chứng nhận Quốc gia Good Việt Nam đã đặt hàng sản phẩm gạo lứt sấy rong biển thông qua gian hàng "ONFOD-THỰC PHẨM HỮU CƠ". Khi kiểm tra sản phẩm được giao tới, trên gói hàng có ghi tên đơn vị gửi là "ONFOD-THỰC PHẨM HỮU CƠ". Địa chỉ đơn vị gửi là 128e Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Số điện thoại của đơn vị gửi là 0945923xxx. Số điện thoại này của một người tên là Nguyễn Duy Phong, tự xưng là quản lý kho hàng.
Đơn hàng giao cho khách ghi địa chỉ 128e Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Để có thông tin rõ hơn về sự việc, phóng viên Chất lượng Việt Nam đã tới trực tiếp địa chỉ 128e Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân để ghi nhận. Theo quan sát của phóng viên, tại địa chỉ này là một ngôi nhà 3 tầng, trong đó phần sân tầng 1 là nơi diễn ra các hoạt động đóng gói, vận chuyển hàng hoá. Phóng viên cũng thấy các shiper thường xuyên ra vào nhận hàng đi giao. Khi phát hiện thấy người lạ ngoài cửa, lập tức một nhân viên chạy ra đóng cửa.
Với mong muốn có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ tới thương hiệu ONFOD để hỏi về vấn đề giấy chứng nhận ISO 22000:2018 được quảng cáo trên sàn thương mại điện tử, tuy nhiên, cho đến nay, toà soạn vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ONFOD.
Căn nhà số 128e Quan Nhân, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ được ghi trên bao bì gói hàng mà ONFOD gửi cho khách.
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra
Trước sự việc trên, toà soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số vào cuộc xác minh, kiểm tra thương hiệu ONFOD để xử lý vi phạm (nếu có), đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tổ chức chứng nhận và người tiêu dùng.
Toà soạn cũng đề nghị phía Công ty TNHH Shopee (đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee) có biện pháp xác minh, xử lý đối với gian hàng ONFOD đang niêm yết, quảng cáo thông tin sai sự thật về sản phẩm, có dấu hiệu giả mạo chứng nhận để bán sản phẩm.
Hành vi giả mạo giấy tờ bị xử phạt thế nào? Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. |