Bancassurance giúp các công ty bảo hiểm khai thác lượng khách hàng lớn từ các ngân hàng mà không mất chi phí tiếp thị khách hàng; còn các ngân hàng gia tăng nguồn thu. Ban đầu, các ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu khách hàng cho bên bảo hiểm, không làm trực tiếp nhưng đến nay nhiều ngân hàng thực hiện toàn bộ các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kể cả bán bảo hiểm, tư vấn...; phía bảo hiểm chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát.
Tháng 11.2020, ACB đã ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam, trong thời hạn 15 năm. Theo đó, từ đầu năm 2021, công ty bảo hiểm của Canada sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua mạng lưới 371 chi nhánh trên 48 tỉnh, thành của ACB.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sau cái bắt tay của ACB và Sun Life Việt Nam, mức phí trả trước lên tới 370 triệu USD (tương đương 8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng bancassurance hợp tác bảo hiểm độc quyền. Mức phí này cao gấp 4 lần so với con số dự báo khoảng 90 triệu USD do nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính trước đó.
Dữ liệu tài chính thể hiện, năm 2021 – năm đầu tiên ACB “cộng sinh” cùng bảo hiểm Sun Life, ACB đã mang về hơn 1.246 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm. Sang năm thứ hai, tính hết tháng 10.2022, doanh thu phí bảo hiểm của ACB đạt 1.437,4 tỷ đồng.
Về phía Sun Life, năm 2021, Sun Life Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tăng hơn 3,5 lần và thị phần tăng từ vị trí 13 lên thứ 7 so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng khách hàng của Sun Life Việt Nam cũng tăng trưởng với gần gấp hai lần chỉ trong năm 2021.
Tuy nhiên, song hành với sự phát triển của mình, Sun life Việt Nam đang đối mặt với tình trạng xuất hiện hàng loạt các đơn khiếu nại của khách hàng liên quan đến vấn đề tư vấn để khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ của Sun Life.
Theo Đại biểu nhân dân