Mới đây, chị T.H (tên nhân vật đã được đổi) đã có đơn thư khiếu nại về việc, hồi tháng 4/2022, có có mang số tiền 250 triệu đồng đến TPBank chi nhánh Phạm Hùng (17 Duy Tân, Hà Nội) yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân với mục đích mở sổ tiết kiệm online. Tại đây, chị T.H được một nhân viên tên Hải Ninh tư vấn về gói tiết kiệm đầu tư với lãi suất hấp dẫn và hiện đang được tặng vàng.
Khi khách hàng đồng ý tư vấn, nhân viên Hải Ninh có liên lạc với một chuyên viên khác tên Anh Tuấn để tư vấn cho chị T.H qua điện thoại về một chương trình liên kết đầu tư. Nhân viên Anh Tuấn có hẹn gặp nhưng không sắp xếp được thời gian nên chị T.H đã hẹn gặp vào ngày khác.
“Trong suốt quá trình nghe tư vấn, tôi vẫn luôn nhấn mạnh rằng bản thân chỉ có nhu cầu gửi tiết kiệm, nhưng nhân viên Hải Ninh đề xuất tôi nộp số tiền 70 triệu đồng ngay tại thời điểm đó để giữ chỗ cho hương trình vì số lượng có hạn và vì bản thân tôi nghĩ rằng chương trình đó là một sản phẩm tiết kiệm có lãi suất cao hơn thông thường nên tôi đã đông ý”, chị T.H cho biết.
Cũng theo chị T.H, ngay tại thời điểm nộp số tiền trên, chị không hề được tư vấn gì về bảo hiểm, những gì chị hiểu được đều là tham gia gửi tiết kiệm, không phải tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, sau đó 4 ngày chị đã nhận được tin nhắn của bảo hiểm Sunlife với nội dung về việc nhận được số phí đầu tiên là 70 triệu đồng.
Đến TPBank với mục đích gửi tiền tiết kiệm nhưng sau khi được tư vấn tin nhắn khách hàng nhận được lại là của Sunlife |
Đến đầu tháng 5/2022, chị T.H nhận được một cuộc gọi với nội dung là mời xuống TPBank Phạm Hùng để tư vấn và nhận hợp đồng. Tại đây, chị vẫn khẳng định là có nhu cầu gửi tiết kiệm thì nhân viên Anh Tuấn có tư vấn rằng ngân hàng TPBank có triển khai chương trình liên kết đầu tư, ngân hàng sẽ mang số tiền mà chị Hoa gửi đi “đầu tư hộ” vào các công ty, trong đó có Sunlife và sản phẩm liên kết là Sun-Sống sung túc với lãi suất 8,7%.
“Nhân viên Anh Tuấn nói với tôi tiền sẽ được đem đầu tư lấy lãi, khi cần có thể rút trước một khoản từ năm thứ tư. Anh Anh Tuấn không nói tới việc đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, cũng không hề nói gì về khoản phí phải đóng hàng năm trong suốt thời gian tư vấn”, chị T.H khẳng định.
Cùng chung một “kịch bản” như với chị T.H, một khách hàng khác tại Hà Đông, Hà Nội cũng được các nhân viên TPBank “định hướng” tham gia “gói tiết kiệm ưu đãi” Sun - Sống sung túc với số tiền đã nộp là 120 triệu đồng.
Thời gian qua một số khách hàng khác của TPBank cũng lên tiếng về việc không được các nhân viên ngân hàng này tư vấn trung thực và đầy đủ khiến họ không ý thức được “chương trình tiết kiệm lãi suất tốt” và “sản phẩm tích lũy đầu tư” được ngân hàng tư vấn thực chất lại là loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Mà cụ thể ở đây là giữa TPBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam.
Theo tìm hiểu, cuối tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam và TPBank tổ chức lễ ký kết hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, Sun Life Việt Nam sẽ là đối tác cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank trong 15 năm (kể từ năm 2020).
Nhìn lại báo cáo tài chính của TPBank cho thấy, bắt đầu từ năm 2019, ngân hàng này đã ghi nhận 900 tỷ đồng chi phí hỗ trợ nhận được từ Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sunlife Việt Nam theo Hợp đồng đại lý bảo hiểm ngày 17/10/2019. Tức là ngay cả khi hợp đồng hợp tác chưa chính thức được "khởi chạy" thì TPBank đã nhận được một khoản tiền rất lớn từ Sunlife.
Tiếp theo đó, TPBank liên tiếp ghi nhận những khoản thu “kếch xù” từ kinh doanh, dịch vụ tư vấn và bảo hiểm. Cụ thể, năm 2020 là 576 tỷ đồng, năm 2021 là 955 tỷ đồng và gần đây nhất là năm 2022, thu từ lĩnh vực bảo hiểm ghi nhận 876 tỷ đồng.
Hợp đồng phân phối độc quyền giữa TPBank và Sunlife được ký kết từ tháng 11/2019 nhưng cuối năm này ngân hàng đã ghi nhận 900 tỷ đồng doanh thu từ công ty bảo hiểm. |
Theo thông tin được công bố, chỉ trong hai năm đầu hợp tác của TPBank và Sunlife, doanh thu phí bảo hiểm mới tăng từ 344 tỷ đồng năm 2020 lên hơn 650 tỷ đồng - gần gấp đôi trong năm 2021 đã đưa TPBank trở thành ngân hàng có doanh số bảo hiểm nhân thọ đứng thứ 8 trên thị trường phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Đặc biệt với mức doanh số 94 tỷ đồng đạt được chỉ trong tháng 11/2021 đã đưa TPBank vuơn lên thứ 7 trên thị thường bancassuarance.
Thực tế, hình thức kinh doanh ngân hàng - bảo hiểm được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng. Hình thức liên kết này giúp các công ty bảo hiểm khai thác lượng khách hàng lớn từ các ngân hàng mà không mất chi phí tiếp thị khách hàng; còn các ngân hàng gia tăng nguồn thu.
Theo số liệu từ các đơn vị thống kê, tính đến hết ngày 12/12/2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên cả nước ước đạt 251.306 tỷ đồng (tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021). Nhìn vào những con số này có thể thấy, việc tham gia vào việc bán bảo hiểm đã đem lại lợi ích “khổng lồ” cho các ngân hàng.
Thậm chí, có những ngân hàng vì nặng lợi ích trước mắt mà tạo ra những quy định nội bộ như áp chỉ tiêu tăng trưởng, cơ chế hoa hồng cho nhân viên, khiến cho việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ lấn lướt công việc chính của họ, dẫn đến tình trạng “ép” khách vay hoặc “lèo lái” người gửi tiền mua bảo hiểm nhân thọ.
“Luật Tổ chức tín dụng và Luật Kinh doanh bảo hiểm đều cho phép ngân hàng thương mại được hoạt động là đại lý bảo hiểm. Song Luật Kinh doanh bảo hiểm nêu rất rõ trong quá trình bán bảo hiểm phải tư vấn một cách chính xác, thông tin phải đầy đủ, giới thiệu sản phẩm rõ ràng, lợi ích ra sao và dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Mọi hành vi ép khách hàng mua bảo hiểm đều bị nghiêm cấm”, Luật sư Hà Dũng – đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3, Bộ Công an).
Theo đó, Bộ Tài chính nhận được đơn tố cáo của công dân Nguyễn Hồng Anh phản ánh qua việc giới thiệu, tư vấn bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - đại lý của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam), nhân viên TPBank đã có hành vi tư vấn sai lệch, đánh tráo khái niệm để nhằm mục đích ký kết hợp đồng bảo hiểm và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm theo quy định. Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (CO3) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Bộ Tài chính. |