Những câu chuyện được "thêu dệt" ly kỳ
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Lê Quế Phương (Jenny Lê Quế Phương) là CEO của Công ty TNHH Phương Long Nhiên (còn gọi là Khoáng tươi Viba). Công ty này có địa chỉ đăng ký tại 14/19/5/2 Đường Viba, phường Thắng Nhì, Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công ty đi vào hoạt động từ năm 2020, sản xuất và kinh doanh nhiều sản phẩm như: Khoáng tươi Viba, Mặt nạ dừa Biocell, Gel rửa mặt Sulfate-Free bùn khoáng nọc ong, Kem dưỡng ẩm cho trẻ em Viba Baby Cream;... Bà Lê Quế Phương này là người trực tiếp chia sẻ những câu chuyện về việc tìm được nguồn nước có khả năng chữa nhiều loại bệnh như chàm da, viêm da cơ địa, chữa trị mụn,... làm cho nhiều người tiêu dùng bỏ tiền mua sản phẩm của công ty mà không biết rằng đó thực chất chỉ là mỹ phẩm, không phải thuốc chữa bệnh.
Câu chuyện đầu tiên được đăng tải công khai trên website khoangtuoiviba.vn, cụ thể như sau: Gia đình bà Phương ở tại lưng chừng núi Lớn (hay còn gọi là núi Tương Kỳ - Vũng Tàu). Ngọn núi này có mạch nước ngầm mà cách đây hơn 100 năm thầy Hai - một người thầy thuốc đã dùng nước này để chữa bệnh cho người dân. Sau khi thầy Hai mất thì từ đó mọi người cũng mất dấu mạch nước ngầm này.
Dò theo một số dấu vết lịch sử, gia đình bà Phương đã tìm đến khu đất này xây dựng nhà cửa vườn tược và dò tìm mạch nước. Vào 5/11/2017 sau 5 ngày ròng khoan qua 129 mét đá, gia đình bà đã khoan trúng mạch nước, nước phụt lên nóng hôi hổi, có bọt khoáng sủi lăn tăn, để một lúc là trở nên trong veo mát lạnh và nếm thì có vị ngọt mát.
Kể từ đó đến nay gia đình bà Phương đã dùng nước này để chăm sóc da. Theo lời bà Phương, con trai bà sau khi dùng một thời gian đã hết hẳn bệnh chàm cơ địa và không bị tái lại; bà Phương khỏi bệnh chàm cơ địa; chồng bà Phương bớt đến 90% bệnh vẩy nến; con gái bà hết mụn, da trắng sáng... Sau đó bà Phương tiến hành khai thác và bán các sản phẩm từ nguồn nước này, lấy tên là Khoáng tươi Viba.
Câu chuyện thứ hai được bà Phương chia sẻ, đăng tải trên kênh youtube tên Jenny Lê Quế Phương với gần 2.500 lượt xem. Câu chuyện này vẫn kể về giai thoại người thầy thuốc tên là Hai, lấy nguồn nước chảy ra từ núi Lớn để chữa bệnh cho người dân. Sau đó nhà bà Phương chuyển đến lưng chừng núi Lớn để ở.
Nhưng chẳng có sự việc khoan mạch nước nào cả, bà Phương nói rằng: "Mỗi buổi sáng chúng tôi ra sau vườn thấy những vũng nước rất trong, khi chạm tay vào có cảm giác mát". Bà Phương thấy các con vật như chim, sóc đến uống nước này nên đã gửi mẫu nước đến Viện Pasteur để kiểm nghiệm. Theo lời bà này, kết quả trả về cho thấy nước này không có các chất độc hại như chì, thủy ngân, asen, vi khuẩn... và hoàn toàn tinh khiết.
Tiếp đó, bà Phương dùng nước từ các vũng nước này để sử dụng nên gia đình bà như nói bên trên đã khỏi các bệnh như vẩy nến, chàm cơ địa, mụn.... Cần phải lưu ý rằng trong câu chuyện thứ 2 bà Phương chia sẻ là ra sau nhà mỗi buổi sáng thấy các vũng nước nên dùng nước này để sử dụng, khác hoàn toàn với câu chuyện đầu tiên bà này kể về nguồn gốc của nguồn nước này là do tìm và khoan trúng mạch nước ngầm.
Hai câu chuyện được kể ra dù khác nhau vì tình tiết nhưng lại khẳng định nguồn nước kia có khả năng chữa bệnh. Vậy không biết bà Phương dựa trên bằng chứng khoa học nào chứng minh sản phẩm Khoáng tươi Viba có khả năng chữa bệnh như đã quảng cáo? Bởi thực tế, một sản phẩm nếu có tác dụng chữa bệnh phải trải qua rất nhiều thử nghiệm lâm sàng và sự đánh giá khắt khe của đội ngũ chuyên gia y tế cũng như sự thẩm định của các cơ quan chuyên môn về y tế.
Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc
Những câu chuyện này được đăng tải công khai nhiều năm nay kể từ khi Công ty TNHH Phương Long Nhiên thành lập. Nhiều đại lý của công ty cũng đăng tải bài viết trên các nền tảng mạng xã hội nhằm đánh vào lòng tin của người dùng. Cũng tại website khoangtuoiviba.vn, sản phẩm Mặt nạ dừa Biocell còn được bà Phương quảng cáo là còn có thể "chữa bỏng" trong khi sản phẩm này chỉ xếp vào mặt hàng mỹ phẩm!?
Trước đó, tại bài viết Quảng cáo Khoáng tươi Viba như thuốc chữa viêm da, vẩy nến, người dùng cần cẩn trọng?, nhóm phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đề cập đến các quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm.
Cụ thể, xét theo Thông tư 06/2011/TT- BYT ngày 25/01/2011 về quản lý mỹ phẩm: Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo nêu rõ: “Mỹ phẩm cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Cho đến nay, gần 1 tháng trôi qua, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của Công ty TNHH Phương Long Nhiên. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý sai phạm (nếu có).
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố thì có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
Nếu người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo điều 197 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.