Đến ngân hàng gửi tiết kiệm, sau tư vấn, khách hàng "mua nhầm" bảo hiểm Dai-ichi

Nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng dịch vụ tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao nhưng kết quả sau cùng, khách hàng nhận được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi.

Vào ngân hàng gặp bảo hiểm

Với việc ngân hàng “bắt tay” bảo hiểm, hình thức bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đang trở thành nguồn thu quan trọng đối với mỗi nhà băng. Thế nhưng, đằng sau con số lợi nhuận, một thực tế đang diễn ra đó là đã xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng phản ánh tới cơ quan chức năng về vấn đề tư vấn của nhân viên dẫn tới họ “mua nhầm” bảo hiểm nhân thọ.

Mới đây, báo Đại biểu Nhân dân nhận được thông tin phản ánh của độc giả về việc tới một ngân hàng thương mại cổ phần với mục đích ban đầu là gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau một hồi tư vấn, bị nhầm lẫn khái niệm "tiền gửi tiết kiệm đầu tư" và "sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư", khách hàng đã "mua nhầm" bảo hiểm của Dai-ichi.

Cụ thể, ngày 9.2.2022, khách hàng tên H.N.M đã đến một ngân hàng trên địa bàn phường Cẩm Tây, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh để rút tiền và thêm tiền vào sổ tiết kiệm.

Tại đây, phát sinh sự việc chị M được nhân viên tư vấn có tên N.T.D (mã số nhân viên 530417) giới thiệu về gói tiết kiệm mới của ngân hàng với mức lãi suất hấp dẫn, lên đến 13-15%/năm. Khách hàng sẽ gửi tiền tiết kiệm liên tục trong vòng 6 năm. 

Nhân viên tư vấn cho biết thêm, với số tiền gửi 50.000.000 đồng/năm, tổng số tiền trong 6 năm là 300.000.000 đồng sẽ được hưởng mức lãi suất cao. Nguyên nhân là bởi đây là hình thức tiết kiệm kiểu mới, thời gian dài hơn bình thường nên khách hàng được hưởng mức lãi suất từ 13-15%/năm. 

Theo khách hàng M, nhân viên tư vấn cam kết "tham gia gói tiết kiệm vừa có tiền, vừa được bảo hiểm. Khách hàng thực hiện mọi giao dịch ở ngân hàng nên hoàn toàn yên tâm".

Nhân viên tư vấn cũng trấn an chị M rằng, đã có rất nhiều người tham gia và đây là dịch vụ của ngân hàng nên chị M đã đồng ý tham gia sử dụng dịch vụ tiền gửi tiết kiệm đầu tư mà không hay biết mình đã ký vào biên lai nộp tiền phí tiết kiệm năm đầu của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi.

Đáng chú ý, tại giấy nộp tiền mà chị M nhận được, phần nội dung có ghi "nộp tiền phí tiết kiệm đầu năm" nên chị không biết rằng mình đang nộp tiền năm đầu tiên cho gói bảo hiểm của Dai-ichi.

"Trong suốt quá trình làm việc, tôi không được tư vấn rõ ràng về khái niệm "tỷ suất đầu tư" và "lãi suất". Bên cạnh đó, tôi cũng không được nhân viên tư vấn cung cấp bất cứ thông tin gì về rủi ro khi tham gia dịch vụ cũng như việc phân bổ quỹ, cách thức đầu tư và chuyển đổi", chị M kể.

Khách hàng tố ngân hàng và bảo hiểm Dai-ichi đánh tráo khái niệm gửi tiền tiết kiệm -0
Khách hàng M bay tỏ bức xúc sau khi "mua nhầm" bảo hiểm Daiichi

"Khai khống" thu nhập và thông tin sức khỏe?

Vẫn theo phản ánh của khách hàng, tại bản hợp đồng bảo hiểm của Dai-ichi Việt Nam, nhân viên ngân hàng đã tự khai báo thông tin sức khoẻ của con chị M mà không cần hỏi hay kiểm tra lại. Thêm vào đó là mức thu nhập của chị M cũng được "khai khống" lên mức 500 triệu/năm.

Chính vì vậy, chị M đã gửi đơn khiếu nại đến ngân hàng, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Liên quan đến tình trạng nhiều khách hàng phản ánh nhân viên tư vấn ngân hàng không đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tư vấn, kinh doanh bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận định, để ngăn chặn tình trạng khách hàng gửi tiết kiệm bị tư vấn chuyển sang bảo hiểm, với pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là việc tham gia bảo hiểm phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Với đại lý, dù là tổ chức hay cá nhân, phải tư vấn trung thực và tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng.

Mặt khác, Bộ Tài Chính mới đây đã có động thái chuyển đơn của nhiều khách hàng tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, (C03, Bộ Công an) để xác minh.

Trường hợp của khách hàng M nêu trên cũng là trường hợp tương tự mà cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ để "phân định đúng sai" nhằm bảo vệ uy tín cho doanh nghiệp và cũng là để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.