Bước sang năm 2024, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần đón đầu xu thế thay đổi này để theo kịp kỳ vọng của khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh. Dưới đây là dự báo những xu hướng thương mại điện tử trong năm nay:
Thanh toán linh hoạt
Khi các thiết bị di động gần như phổ biến, việc cung cấp giải pháp thanh toán di động đã trở thành một trong những xu hướng thương mại điện tử hàng đầu trên toàn thế giới. Theo OBERLO ví kỹ thuật số hoặc ví di động chiếm 49% giao dịch thương mại điện tử toàn cầu năm 2021 và dự kiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 53% tổng số giao dịch thương mại điện tử vào năm 2025.
Mua sắm qua thực tế ảo
Các công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR) có thể thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với sản phẩm và đưa ra quyết định mua hàng. Công nghệ nhập vai nâng cao trải nghiệm mua sắm như: thử quần áo ảo, trực quan hóa đồ nội thất, sản phẩm.
Theo báo cáo của Grand View Research, thực tế ảo toàn cầu trong thị trường bán lẻ được dự báo sẽ đạt 23,69 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 13 nghìn tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2027 nhờ lợi ích của nền tảng thương mại điện tử, sự gia tăng của điện thoại thông minh và thanh toán trực tuyến.
Mạng xã hội dần trở thành kênh bán hàng chính
Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành các kênh marketing quan trọng đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nhiều năm qua. Mạng xã hội không chỉ là nền tảng để chia sẻ ảnh và giữ liên lạc với bạn bè mà giờ đây, bạn có thể mua sản phẩm trực tiếp từ Instagram, Facebook, TikTok,... Các doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả các nền tảng này để mở rộng kênh bán hàng trên thị trường thương mại điện tử.
Chú trọng tính bền vững của sản phẩm
Sự phát triển ngày càng vượt trội của công nghệ khiến những vấn đề về môi trường cũng được nhiều người quan tâm. Người tiêu dùng trở nên ý thức hơn về các vấn đề của môi trường sống thì tính bền vững sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ khi mua sắm.
Các doanh nghiệp có thể giải quyết vấn đề này bằng cách triển khai các phương pháp bền vững trong chuỗi cung ứng của mình. Việc sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường và bao bì có thể tái chế sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng tốt hơn.
Phương thức mua trước trả sau
Phương thức mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later - BNPL) cho phép khách hàng tạo đơn, nhận hàng trước và thanh toán thông qua các đợt trả góp không lãi suất định kỳ sau đó. Các doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán này để tăng số lượng đơn hàng được tạo. Phương thức này đã trở thành xu hướng thương mại điện tử 2023 khi được nhiều sàn thương mại điện tử ứng dụng, tiêu biểu là Shopee.