HỘI CHỢ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VIỆT - TRUNG (LÀO CAI) LẦN THỨ 23, NĂM 2023: Thêm những cái "bắt tay" kết nối, giao thương

Với hơn 500 gian hàng của hơn 300 doanh nghiệp đến từ 8 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và 50 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23, năm 2023 đã tạo ra cơ hội để doanh nghiệp hai nước "bắt tay" kết nối giao thương.
C2.jpg
Lãnh đạo các tỉnh tham quan gian hàng trưng bày tại hội chợ.

Cơ hội để doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới

Ngày thứ 3 diễn ra hội chợ, hơn 5.000 hộp yến và các sản phẩm yến thô, yến tinh chế trưng bày, giới thiệu tại gian hàng của Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum đã được bán hết, trong đó 80% khách hàng Trung Quốc. Ngoài mang về tổng giá trị hàng hóa gần 400 triệu đồng, còn giới thiệu đến khách hàng tại hội chợ các dòng sản phẩm từ tổ yến sào tốt cho sức khỏe mà công ty đang sản xuất, cung cấp. Đặc biệt hơn, đơn vị đã có thêm các đối tác mới đến từ tỉnh Lào Cai và phía Trung Quốc.

C18.jpg
Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum - Đặng Xuân Hùng trao đổi với phóng viên.

Ông Đặng Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Kon Tum cho biết: Đây là lần đầu tiên công ty có gian hàng tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung, trước khi lên Lào Cai cũng chưa kỳ vọng nhiều, bởi sản phẩm của công ty còn khá lạ lẫm. Đến thời điểm này, có thể khẳng định chúng tôi đã được nhiều điều hơn cả mong đợi khi ký hợp đồng với 7 đối tác Trung Quốc và một đơn vị làm đại lý tại Lào Cai.

Cũng đến từ tỉnh Kon Tum, Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ cao Hoàng Linh - một doanh nghiệp chuyên trồng, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh và sâm Dây (Đẳng Sâm) đã tìm được một doanh nghiệp phía Trung Quốc ngỏ ý hợp tác để đưa sản phẩm của công ty đến với thị trường tỉnh Vân Nam và khu vực lân cận. Hai bên cũng đã đặt lịch làm việc tại văn phòng Hà Nội của công ty sau một tuần nữa.

C4.jpg
Các gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tại hội chợ.

Anh Vũ Xuân Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ cao Hoàng Linh cho biết: Trước khi tham dự hội chợ chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rõ vị trí của Lào Cai rất thuận lợi để sâm Ngọc Linh và sản phẩm chế biến từ sâm vươn ra thị trường Tây Nam (Trung Quốc). Chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được quốc tế công nhận. Bởi vậy, chúng tôi tin sẽ chinh phục được thị trường đầy tiềm năng phía bạn.

C9.jpg
Sản phẩm thanh long Bình Thuận trưng bày tại hội chợ.

Tại gian hàng giới thiệu sản phẩm thanh long của tỉnh Bình Thuận có rất đông khách tham quan là người Trung Quốc. Ông Triệu Vĩ, đến từ Hà Khẩu, một đầu mối nhập khẩu thanh long cho biết: Quả thanh long nhập từ Việt Nam vào Trung Quốc rất nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy sản phẩm thanh long vàng.

C5.jpg

Đây cũng là sản phẩm độc quyền của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu dùng bền vững Thanh Long Bình Thuận mang đến hội chợ với hy vọng mở đường sang thị trường rộng lớn bên kia biên giới. Ông Nguyễn Lê Phong, đại diện Hợp tác xã phấn khởi cho biết các sản phẩm thanh long của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Úc... Vì vậy, khi tham gia kỳ hội chợ này chúng tôi tin tưởng sẽ gặp được đối tác phù hợp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ban Tổ chức hội chợ đã tạo nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi thông tin. Nhờ đó, đúng với kỳ vọng, chúng tôi đã kết nối được với một doanh nghiệp phía Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu số lượng lớn thanh long.

C8.jpg
Các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ký kết hợp tác.

Ông Phong chia sẻ thêm: Qua gặp gỡ tại hội nghị kết nối doanh nghiệp do tỉnh Lào Cai tổ chức đã ký sơ bộ thỏa thuận hợp tác với đơn vị này và bạn đã đặt hàng mua luôn 8 container thanh long. Sau hội chợ sẽ mời doanh nghiệp phía bạn vào tham quan vùng nguyên liệu cũng như hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm thanh long của hợp tác xã.

Chinh phục khách hàng trong nước trước khi vươn ra quốc tế

Muốn vươn ra thị trường nước ngoài trước hết phải chinh phục được những khách hàng trong nước. Đó là chiến lược mà Công ty Cổ phần Thiên Sứ toàn cầu - một đơn vị sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng.

C6.jpg
Ông Hoàng Ngọc Hà (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

Ông Hoàng Ngọc Hà, Giám đốc Khu vực Tây Bắc - Công ty Cổ phần Thiên Sứ toàn cầu cho biết: Các sản phẩm của công ty như nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn… có rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước sản xuất. Đặc biệt tại thị trường Lào Cai có nhiều sản phẩm của nước bạn cũng được nhập khẩu sang. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng sản phẩm của công ty với những cam kết về chất lượng cùng phương châm sản xuất ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe, bảo vệ môi trường sẽ chinh phục được khách hàng Lào Cai và khu vực lân cận từ đó vươn ra thị trường nước bạn.

C10.jpg
Gian hàng của Hợp tác xã Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương tại hội chợ.

Hợp tác xã Nông sản - Dược liệu Mạnh Hương (gọi tắt là Hợp tác xã Mạnh Hương) ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) tham gia một gian hàng với các sản phẩm được sản xuất từ dược liệu phục vụ chăm sóc sức khoẻ.

Theo lãnh đạo hợp tác xã, tất cả sản phẩm của hợp tác tham gia hội chợ đều là sản phẩm đặc trưng của địa phương, có thương hiệu trên thị trường, các sản phẩm của đơn vị đạt OCOP cấp tỉnh. Tại hội chợ, đơn vị chuẩn bị một số lượng hàng hóa, nhân lực tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm với mong muốn thông qua hội chợ lần này, hợp tác sẽ tiếp cận được thêm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trên toàn quốc và nước bạn Trung Quốc.

C.jpg
Gian hàng của Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Nguyên.

Theo bà Phạm Thị Hoàng Phi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Nguyên ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk: Tham gia hội chợ lần này, chúng tôi mang các sản phẩm tới giới thiệu các sản phẩm cà phê rang xay, hạt macca, hạt sachi... với mong muốn một lần nữa khẳng định thương hiệu, tiếp tục kết nối giao thương mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm khi có đối tác để thực hiện xuất khẩu. Qua hội chợ lần này, Hợp tác xã đã ký kết được với một số đối tác phía Trung Quốc để hướng đến xuất khẩu.

C3.jpg
Khu trưng bày ô tô tại hội chợ.

Từ việc mở rộng kết nối giao thương của các hợp tác xã và những cái "bắt tay" kết nối giao thương tại kỳ hội chợ này còn cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của doanh nghiệp Lào Cai trong việc trở thành đầu mối kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc. Thông qua kết nối trung gian của doanh nghiệp Lào Cai, các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành của Việt Nam và Trung Quốc đã sớm tìm được tiếng nói chung khi thương thảo, ký kết các hợp đồng.

C1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thăm gian hàng công nghệ tại hội chợ.

Ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn có tác động đến hoạt động xuất - nhập khẩu. Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tích cực phối hợp với Hiệp hội Dân doanh Vân Nam (Trung Quốc) tăng cường kết nối doanh nghiệp, ngành hàng của Lào Cai và các địa phương của Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Nguyễn Huy Long cũng cho rằng: Để phát huy vai trò là doanh nghiệp ở vị trí “cầu nối”, “cửa ngõ” thì doanh nghiệp Lào Cai phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở vật chất, kho bãi sẵn sàng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế đang được định hình.

C9.jpg

Ông Hà Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai cho biết: Các hoạt động giao thương tại hội chợ năm nay khá sôi động với nhiều tương tác, trao đổi, tìm kiếm đối tác của các tổ chức, cá nhân tham dự hội chợ. Trong đó, có các trao đổi, tương tác của các doanh nghiệp có hàng hóa giữ vị trí thế mạnh trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên, như nông sản của Việt Nam, nguyên liệu - thiết bị máy móc của Trung Quốc và một số hàng hóa có thế mạnh của mỗi bên.