Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dù xuất khẩu thủy sản tháng 7 hồi phục so với những tháng trước đó, song 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này chỉ đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm sâu nhất ở mức 36%, mặt hàng tôm cũng ghi nhận mức giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá thành, tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu ở ĐBSCL trong tháng 7/2023 tiếp tục giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Tại Bạc Liêu, giá trung bình tôm sú ướp đá cỡ lớn 20 con/kg giảm 19.300 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 187.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg ở mức 150.000 đồng/kg giảm 22.000 đồng/kg, cỡ 40 con/kg giữ mức 130.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 40 con/kg giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6/2023 xuống còn 95.000 đồng/kg; cỡ 60 con/kg giảm 2.000 đồng/kg còn 73.300 đồng/kg, cỡ 100 con/kg giảm về mức 67.000 đồng/kg.
Gần 20 năm nuôi tôm công nghiệp ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Lập, 51 tuổi, tổ tưởng tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Thành Công Mới chưa bao giờ thấy nghề nuôi tôm lao đao như hiện tại. Ba năm nay, giá tôm lên xuống thất thường và giảm mạnh từ đầu năm. Hiện tôm sú loại 30 con mỗi kg giá 105.000-110.000 đồng, 20 con có giá khoảng 160.000 đồng, giảm 80.000-100.000 đồng so năm rồi; tôm thẻ loại 100 con giá 75.000 đồng mỗi kg, giảm từ 20.000-30.000 đồng so cùng kỳ.
Còn theo ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu cho rằng, giá tôm hiện tại là thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, người nuôi đứng ngồi không yên. Những người đã thu hoạch xong đang phân vân là có thả nuôi tiếp hay là treo ao, chờ giá lên. Còn hộ còn tôm trong ao, khả năng lỗ rất cao, tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá tôm giảm mạnh khiến người nuôi tôm không dám mạo hiểm thả giống vì sợ thua lỗ. Dự kiến năm nay ở tỉnh thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000 ha, song đến thời nay chỉ mới đạt hơn 70% diện tích. Người dân đang theo dõi giá tôm để quyết định thả giống hay không, một số diện tích được chuyển sang nuôi cá hoặc một số loài thủy sản khác.
Năm 2023, ngành tôm đặt mục tiêu diện tích nuôi khoảng 750.000 ha, trong đó tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm các loại chừng một triệu tấn, xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD. Theo kịch bản khả quan, năm nay xuất khẩu tôm dự báo thu về khoảng 3,5-3,6 tỷ USD, giảm 16-18% so với năm 2022; cá tra giảm 28% đạt 1,7-1,8 tỷ USD.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm. Thứ nhất, diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại, lượng tồn kho vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Thứ hai, nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu. Cuối cùng, các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh hơn so với các nước khác.)