Có gì trong bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp xuất khẩu?
Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 316,6 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ 2022.
Với các doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu ở nhiều ngành nghề như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Sao Ta, Dệt may Thành Công.. cầu tại các thị trường lớn chưa phục hồi hoàn toàn tiếp tục là một trong những thách thức.
Là một trong những ngành suy giảm mạnh nhất, các doanh nghiệp ngành gỗ và các sản phẩm gỗ (G&SPG) đã phải trải qua 6 tháng đầu năm 2023 “khó chưa từng thấy”. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính trong tháng 6, giá trị xuất khẩu G&SPG đạt 1,05 tỷ USD, đi ngang so với tháng 5 và giảm mạnh 26% so với tháng 6/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 728 triệu USD, giảm 4% so với tháng 5 và giảm 23% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu G&SPG ước đạt 6 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đại diện của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ có thể tiếp tục sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, với trị giá xuất khẩu chiếm 52% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Do đó, xuất khẩu sang Mỹ kém khả quan trong những tháng đầu năm khiến ngành gỗ cũng gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng nước này.
Tại CTCP Chế biến gỗ Thuận An (mã: GTA), trong phiên họp sơ kết tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch kinh doanh quý III/2023. Cụ thể, gỗ Thuận An ghi nhận tổng doanh thu đạt 120 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5,35 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, kết quả này giảm lần lượt 63% và 61%.
Không chỉ ngành gỗ, xuất khẩu thuỷ sản cũng nằm trong nhóm các mặt hàng sụt giảm lớn nhất trong 6 tháng đầu năm. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 ước đạt gần 800 triệu USD, giảm 21% so với tháng 6/2022.
Là ‘ông lớn’ trong ngành xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ, CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) cũng đang ghi nhận những tháng kinh doanh thách thức, dù môi trường kinh doanh có vẻ đã sáng lên. Theo ước tính của FiinTrade platform, VHC thu về 211 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, giảm tới 73% so với mức nền cao của quý II/2022. Luỹ kế 6 tháng, đơn vị phân tích này ước tính "nữ hoàng cá tra" thu về 437 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ.
Hay tại CTCP Nam Việt, FiinTrade cũng ước tính doanh nghiệp thuỷ sản này vừa trải qua một quý kinh doanh khó khăn với lợi nhuận sau thuế 60,6 tỷ đồng, giảm gần 75% so với cùng kỳ. Kết quả này cũng thấp hơn 30 tỷ so với quý I. Luỹ kế 6 tháng, FiinTrade ước Nam Việt đạt 153 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 66%.
Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận những tín hiệu hồi phục. Như tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC). Tính riêng tháng 6, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt 18,6 triệu USD, xấp xỉ so với cùng kỳ và là tháng có doanh số cao nhất từ đầu năm đến nay. Luỹ kế 6 tháng, Sao Ta ước tính thu về 86,7 triệu USD (tương đương gần 2.030 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 3/7), bằng 80% so cùng kỳ. Theo doanh nghiệp, kết quả tăng mạnh trong tháng 6 đã kéo luỹ kế nửa năm lên mức 80% so với nửa đầu năm 2022. Đây là điểm sáng của tháng, và cũng là "khởi đầu giai đoạn tăng tốc về sau".
Hay CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) vừa công bố báo cáo tình hình kinh doanh tháng 6 với doanh thu tiêu thụ đạt 701 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nếu so với tháng 5, mức doanh thu này đã tăng gần 5%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG ghi nhận tổng doanh thu đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu xuất khẩu chiếm tới 97% tổng doanh thu của công ty. Trong đó, Hoa Kỳ, Pháp và Canada là 3 thị trường riêng lẻ lớn nhất của Dệt may TNG, lần lượt chiếm 46%, 15% và 10% tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023.
Một đại diện dệt may khác là Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM). Theo ước tính của FiinTrade, trong quý II, doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, FiinTrade ước TCM đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 10% so với 6 tháng đầu năm 2022. Liên quan tới tình hình đơn hàng, TCM cho biết Công ty hiện vẫn hoạt động chưa tối đa công suất, thiếu đơn hàng cho quý II. Tính đến hiện tại, Công ty đã nhận khoảng 77% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý III và 75% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng 2023.
Bao giờ qua 'bão'?
Trong lĩnh vực thủy sản, theo dự báo của VASEP, mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.
Mục tiêu đặt ra trong nửa cuối năm là tiếp tục giữ được thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn dự báo sẽ phục hồi từ quý III như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Về phía doanh nghiệp cho biết, đang nỗ lực để tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản. Trong giai đoạn này chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.
Với triển vọng phục hồi nửa cuối năm, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông… để bù đắp những khó khăn trong giai đoạn đầu năm.
Còn với xuất khẩu gỗ, tình hình có vẻ kém khả quan hơn khi Mỹ - thị trường chiếm tới trên 50% xuất khẩu toàn ngành vẫn chưa có tín hiệu hồi phục. Giới phân tích nhận định triển vọng ngành G&SPG năm 2023 vẫn kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, các công ty trong ngành sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.
Trong ngành xuất khẩu may mặc, câu chuyện sẽ không dừng lại ở việc chờ đợi thị trường hồi phục, mà các doanh nghiệp cần đổi mới chính mình. Theo thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), những doanh nghiệp đưa ra được giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng thì đã có đơn hàng đến tháng 10. Còn những doanh nghiệp chậm hơn vẫn đang tìm kiếm đơn hàng cho tháng 7, tháng 8.
Chia sẻ với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas nhận định, khó khăn dệt may thời điểm từ năm ngoái đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan, nên “điểm rơi” này sẽ mất khoảng 3 năm, tức là kéo dài sang đến năm 2024, trong khi “điểm rơi” của những thời kỳ trước chỉ từ 12-14 tháng.
Tuy nhiên theo ông Giang, “điểm rơi” này sẽ không xuống đáy như cuối năm 2022, đầu năm 2023, mà sẽ khôi phục dần ở mức thấp chứ không lên nhanh như những năm trước đây.
Vì vậy, để đứng vững trước “bão” kéo dài, cộng đồng doanh nghiệp dệt may phải chuyển dịch, đa dạng hóa thị trường - đây là mục tiêu phải đi, không có con đường nào khác. Thay vì phụ thuộc vào thị trường truyền thống, phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập). Đơn hàng tại khu vực này đã bắt đầu tăng nhanh.
Thị trường tiếp theo mà các doanh nghiệp dệt may hướng đến là thị trường Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc. Điểm sáng Argentina đang là thị trường cho doanh nghiệp dệt may nhắm tới do Chính phủ hai nước đang hướng tới ký kết một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Doanh nghiệp cần tìm ra một lối đi riêng, tạo ra một sự ổn định thị trường trong thời gian tới”, ông Giang nhận định.