Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
Liên quan đến phí logistics, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm khoảng 20-25% giá thành sản phẩm. Như vậy, khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế, sản phẩm của doanh nghiệp Việt có giá thành cao hơn, lợi thế cạnh tranh giảm xuống.
Với doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đặng Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủ công Mỹ nghệ gỗ Liên Minh thông tin, tại Việt Nam, chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác… đang cao hơn 10-15% so với các quốc gia cạnh tranh mặt hàng này.
“Trong đó, chi phí logistics chiếm tới 20 - 30% giá trị mỗi container gỗ xuất khẩu đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp. Không chỉ bị cạnh tranh về giá, các doanh nghiệp ngành gỗ còn chịu tác động từ nhu cầu thị trường, dẫn đến tình trạng ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi đơn hàng hạn chế nhưng chịu nhiều loại phí cao”, ông Hùng chia sẻ.
Việc bị phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản để mở rộng thị trường xuất khẩu. Địa bàn hoạt động của các tàu container nội địa rất hẹp, chỉ loanh quanh trong khu vực trong khi các hãng tàu nước ngoài “ôm” hết các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ.
Do đó, khi muốn mở rộng sang các thị trường tiềm năng, doanh nghiệp bị phụ thuộc vào cước phí, lịch trình của hãng tàu nước ngoài, khó có được sự lựa chọn tối ưu. Chưa kể, vào mùa cao điểm, các hãng tàu, container thường đồng loạt tăng mạnh giá cước và các khoản phụ phí nhưng không báo trước.
Như vậy hiện nay, chi phí logistics chiếm gần 17% giá trị hàng hóa, khiến nhiều mặt hàng của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Do đó, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo. Đơn cử tại Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh, với hơn 11.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực trạng riêng lẻ, mạnh ai nấy làm đang khiến ngành logistics chưa phát huy hết thế mạnh. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các địa phương là đòi hỏi cấp bách.