Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, đạt 563 triệu USD. Tất cả các phân khúc ngành hàng chính đều bị sụt giảm mạnh từ 30 – 60%. Trong đó, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, giảm sâu nhất, lần lượt thấp hơn 42% và 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính riêng tháng 5/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 151 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Trong đó, cá tôm và cá tra đều có sự bứt phá so với những tháng trước: tôm đạt 68 triệu USD, cá tra đạt 33 triệu USD.
Còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến hết tháng 4/2023, Mỹ đã nhập khẩu 924 nghìn tấn thủy sản các loại, trị giá trên 8 tỷ USD, giảm 12% về lượng và 20% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số các sản phẩm cá đông lạnh nhập khẩu vào Mỹ, cá tra phile từ Việt Nam là mặt hàng giảm sâu nhất, trong khi nhập khẩu cá tuyết cod vào Mỹ thậm chí còn tăng mạnh 37% về khối lượng và 64% về giá trị.
Theo lý giải của một số doanh nghiệp, lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ giảm, cùng đó là vấn đề tồn kho lớn, sau khi các nhà nhập khẩu nước này tăng mua một cách ồ ạt trong nửa đầu năm 2022 với tâm lý dự trữ và dự báo thị trường thiếu hụt nguồn cung trong năm ngoái. Do vậy, các nhà nhập khẩu Mỹ cần thời gian để giải phóng lượng hàng tồn kho. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra chắc chắn giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá, đó cũng là một nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh.
Với diễn biến trên, các doanh nghiệp thuỷ sản kỳ vọng, có thể những tháng tới, lượng tồn kho giảm dần và vào mùa nhu cầu cao dịp cuối năm, đơn hàng xuất khẩu sẽ dần phục hồi và tăng mạnh.
Hiện nay, trong bối cảnh xuất khẩu (XK) giảm, các doanh nghiệp thủy sản đang xoay xở thay đổi chiến lược để tìm cách giữ đơn hàng xuất khẩu, duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo ông Đoàn Văn Đông, Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ cho biết, bối cảnh khó khăn năm 2023 có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024 như nhận định của nhiều người. Do vậy, doanh nghiệp phải tự tìm cách tồn tại, nhận định được những thách thức, khó khăn, cũng như những tình huống cụ thể để vượt qua. Nếu trước đây doanh nghiệp mở rộng mặt hàng, thì bây giờ chỉ tập trung những cái đang có, đang làm, đi sâu hơn về chất lượng và chi phí sản xuất cho tốt hơn.
Ông Phạm Hoàng Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) cho rằng, để bù đắp lại lượng sụt giảm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển hướng XK sang các thị trường khác, trong đó có Nhật Bản. Thị trường Nhật thì lượng tồn kho không nhiều nên sức mua vẫn tốt, nhưng do lạm phát nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường này, phải đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng và truy xuất nguồn gốc tốt.
“Dự kiến, thị trường từ giờ tới cuối năm rất ảm đạm. Sức mua tại thị trường Mỹ sẽ vẫn thấp vì lượng tồn kho lớn. Doanh nghiệp muốn duy trì được phải tìm những thị trường khác. Những thị trường nhỏ như tại khu vực châu Á, như Hồng Kông, Đài Loan… sức mua tốt hơn do không có lượng tồn kho nên họ mua bán thường xuyên hơn”- ông Việt đánh giá.
Thương hiệu Pháp luật