Cao Việt Hoàng tiếp tục quảng cáo sai công dụng trên TikTok

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng không chỉ quảng cáo sai công dụng trên các website, Fanpage Facebook mà còn “làm mưa làm gió” trên mạng Tik Tok. Toà soạn khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác khi mua sản phẩm này sử dụng.

Quảng cáo gian dối, đủ chiêu lách luật

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần phát đi cảnh báo đối với những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ... vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh. Thế nhưng, thực tế trên rất nhiều website, các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến bệnh lý về dạ dày, xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…

Trên mạng xã hội TikTok, hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bắt gặp những mẫu video quảng cáo “thần thánh” từ tổ chức kinh doanh bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thậm chí dàn dựng video khách hàng đã dùng đạt hiệu quả để thu hút người tiêu dùng. Cụ thể, tài khoản Tik Tok có tên “Cao Việt Hoàng chính hãng” – giới thiệu trang của Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng, đăng tải nhiều video quảng cáo đặc trị trào ngược, viêm loét, khuẩn HP, chỉ cần ngày uống 2 cốc thì trào ngược đến mấy cũng ổn, cả đời không lo tái phát.

Để tạo uy tín cho sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn đăng tải video khách hàng không rõ danh tính “nổ” công dụng trên Tik Tok như: “Lúc đầu tôi cũng không tin đâu, nhưng uống thử 15 phút thôi là thấy bụng êm, đỡ đau rất nhiều. Giờ tôi không còn bệnh dạ dày, không ợ hơi, ợ chua nữa...”.

 Cao Việt Hoàng tiếp tục quảng cáo sai công dụng trên Tik Tok.

Một video khác được đăng tải như: “Chỉ cần sử dụng Cao Việt Hoàng 5 ngày là tất cả mọi cảm giác như tức bụng, ợ chua, trào ngược hoàn toàn biến mất...”.

Ngoài ra, còn rất nhiều video khác trên Tik Tok quảng cáo sai công dụng Cao Việt Hoàng. Do đó, có thể thấy trước bối cảnh sức ép cạnh tranh từ thị trường ngày càng gay gắt, các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh luôn coi quảng cáo như một công cụ hữu hiệu trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình. Từ đó dẫn tới tình trạng quảng cáo ngày càng biến tướng cả về nội dung lẫn hình thức.

Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội như YouTube, TikTok, nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng đang không ngại "thổi phồng" công dụng sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng. Và không ai khác, chính người tiêu dùng ở vị trí yếu thế hơn đang là đối tượng chịu thiệt thòi bởi họ dễ dàng bị lợi dụng.

Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Quy định về cấm quảng cáo gian dối, quảng cáo sai sự thật

Hoạt động quảng cáo là những tuyên bố, cam kết của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Nhà quảng cáo hiện nay thông thường chú trọng nhiều hơn đến hình thức. Mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế vẫn luôn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm bị suy giảm trên thị trường.

Những mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế trên là do tiến hành hoạt động quảng cáo không trung thực. Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ”.

Người tiêu dùng không nên tin quảng cáo mà chi tiền mua sản phẩm Cao Việt Hoàng sử dụng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Có thể hiểu, hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân hay do tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng với sự thật và việc đó có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 thì hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xem là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính thuộc vào nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Từ quy định được nêu trên có thể thấy nếu hành vi quảng cáo đó đưa ra thông tin gian dối (sai sự thật) nhằm mục đích chính là để doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm mà Luật cạnh tranh điều chỉnh. Bản chất của các quy định trên đều là những quy định cụ thể về hành vi đưa thông tin, truyền tải thông tin không trung thực, sai sự thật về một loại hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng.

Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại nói riêng và giao dịch dân sự nói chung là trung thực. Việc các thương nhân đưa ra thông tin sai lệnh, không đúng sự thật về chất lượng, số lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ, chủng loại, bao bì, phương thực phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ dù dưới bất kỳ hình thức nào đều đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung thực trong hoạt động quảng cáo.

Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 3 nghị định này.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm".