Đường dây buôn bán hàng giả xuyên tỉnh bị triệt phá
Cụ thể, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bốn đối tượng gồm: Phạm Thị Sáng (SN 1962, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội); Nguyễn Thị Dung (SN 1977), Phạm Thị Phương (SN 1975) và Hoàng Văn Thái (SN 1991) cùng trú tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Các đối tượng bị điều tra về hành vi buôn bán hàng giả.
Đây là kết quả sau thời gian dài trinh sát, điều tra và phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An và Đội Quản lý thị trường số 1. Các đối tượng được xác định đã liên kết từ Hà Nội vào Nghệ An để tổ chức buôn bán, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Trước đó, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 37C-441.xx do tài xế Nhữ Văn H. (SN 1994, trú tại huyện Quỳnh Lưu) điều khiển. Qua kiểm tra, phát hiện gần 480.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, gồm hơn 400.000 gói dầu gội đầu nhái nhãn hiệu Clear, Xmen, Dove, Sunsilk, Romano, Pamolive, Rejoice, Head & Shoulders; 6.000 gói nước xả Comfort giả, gần 1.300 tuýp kem đánh răng Sensodyne, Close up cùng hơn 63.000 cây bút các loại, ước tính tổng giá trị lô hàng lên tới hơn 523 triệu đồng.
Khám xét nơi ở các đối tượng, công an thu giữ thêm 3.356 gói dầu gội đầu và 300 gói nước xả vải giả mạo nhiều thương hiệu nổi tiếng tại nhà Nguyễn Thị Dung và Phạm Thị Phương.
Quá trình điều tra cho thấy, Phạm Thị Sáng là đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây. Bà này thu mua hàng giả từ các đầu nậu ở phía Bắc, sau đó phân phối cho các đầu mối như Dung, Phương, Thái để tiếp tục tiêu thụ tại các huyện miền núi Nghệ An – nơi người dân ít có điều kiện nhận biết hàng thật, hàng giả.
Đáng chú ý, các đối tượng thừa nhận dù biết rõ số hàng là sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ nhưng vẫn cố tình mua bán nhiều lần để trục lợi bất chính.
Lực lượng chức năng nhận định, việc tiêu thụ các sản phẩm hàng giả, nhất là mặt hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như dầu gội, kem đánh răng, nước xả vải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, đồng thời làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp sản xuất, phân phối chính hãng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án, điều tra vai trò các đối tượng liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để triển khai hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Kế hoạch được ban hành với mục tiêu triển khai hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là người dân.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo bước chuyển biến đột phá, gắn với quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, nhằm nâng cao năng lực quản lý và phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trong thực thi nhiệm vụ. Qua đó, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để hướng tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
"Bẫy ngọt ngào" từ hàng giả
Trên thị trường hiện nay, không khó để bắt gặp những sản phẩm có bao bì giống y hệt hàng thật: dầu gội đầu Clear, Xmen, Dove, Sunsilk, Comfort, Close up, Sensodyne… được rao bán tràn lan với mức giá rẻ chưa bằng một nửa so với sản phẩm chính hãng. Người tiêu dùng vì ham rẻ, thiếu thông tin hoặc bị đánh lừa bởi hình thức bên ngoài, dễ dàng rơi vào cái bẫy hàng giả.
Thế nhưng, cái giá phải trả cho sự “tiện lợi” này không hề nhỏ. Ghi nhận từ các bệnh viện da liễu và nha khoa, thời gian gần đây, số ca nhập viện do dị ứng, viêm da đầu, rụng tóc, viêm nướu... có xu hướng tăng, không ít trong số đó có liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân không rõ nguồn gốc – phần lớn là hàng giả.
Dầu gội đầu giả thường chứa các loại chất tẩy mạnh, không qua kiểm nghiệm, thậm chí là hóa chất công nghiệp độc hại như Sodium Lauryl Sulfate (SLS) ở nồng độ cao. Khi tiếp xúc với da đầu, các hóa chất này có thể gây kích ứng, ngứa rát, nổi mẩn, thậm chí là rụng tóc từng mảng nếu sử dụng lâu dài.
Chị Nguyễn Thị L. (32 tuổi, Nghệ An) chia sẻ: "Tôi mua dầu gội tại chợ vì thấy bao bì giống hệt hàng thật mà giá chỉ bằng một nửa. Dùng được vài ngày thì da đầu bắt đầu bong tróc, ngứa ngáy, sau đó tóc rụng nhiều đến mức phải đi khám da liễu".
Hay nước xả vải giả cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thành phần tạo mùi thơm trong các loại nước xả giả thường là hóa chất công nghiệp, có thể chứa phthalates – một nhóm chất bị cảnh báo về khả năng gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu tiếp xúc lâu dài. Trẻ em, người có làn da nhạy cảm dễ bị viêm da tiếp xúc, nổi mề đay, khó thở khi sử dụng quần áo được giặt xả bằng sản phẩm giả, kém chất lượng.
Tương tự đối với các loại kem đánh răng giả, chúng không chứa fluor đúng chuẩn, không đảm bảo tính năng diệt khuẩn, làm sạch, thậm chí có thể chứa chất tạo ngọt công nghiệp, chất mài mòn rẻ tiền gây mòn men răng, viêm lợi, hôi miệng kéo dài. Không ít sản phẩm kem đánh răng giả được phát hiện có chứa diethylene glycol, một chất có độc tính cao, từng bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm ở nhiều nước. Nếu vô tình nuốt phải trong quá trình sử dụng, người dùng có thể gặp các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tổn thương gan – thận nghiêm trọng.
Do đó, lực lượng chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại địa chỉ uy tín, có hóa đơn, bao bì rõ ràng, mã QR kiểm tra được nguồn gốc. Kiểm tra kỹ bao bì, mùi hương, chất lượng sản phẩm, tránh mua hàng có dấu hiệu in mờ, nắp vặn lỏng lẻo, mùi quá nồng hoặc lạ. Khi có biểu hiện bất thường sau khi sử dụng (ngứa, rát, rụng tóc, nổi mẩn, đau răng, viêm lợi...), cần ngưng ngay và đi khám.