Cao Việt Hoàng “nổ” quảng cáo
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) có những bước tiến rất đáng kể. Thế nhưng, đánh vào thị hiếu khách hàng, nhiều sản phẩm TPBVSK bất chấp quy định pháp luật quảng cáo như thuốc chữa bệnh nhằm mục đích vụ lợi, khiến khách hàng như rơi vào ma trận, không biết thật giả. Thậm chí, nhiều người hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chính là thuốc chữa bệnh.
Để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng của TPBVSK, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nhiều đơn vị, buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo TPBVSK và thông tin tới dư luận, tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày một tinh vi hơn.
Điển hình, một số tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe...
Thời gian qua, thông qua đường dây nóng, Toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên tục nhận được phản ánh về sản phẩm TPBVSK Cao Việt Hoàng quảng cáo trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi giới thiệu, quảng cáo sai công dụng gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, tại trang https://www.caoviethoang.com/, sản phẩm Cao Việt Hoàng được giới thiệu là bài thuốc điều trị trào ngược, viêm loét dạ dày. Cũng theo giới thiệu, Cao Việt Hoàng có thành phần gồm chè dây, hoàng liên, bạch truật, hậu phác, lá khôi với loạt công dụng như: hết lo trào ngược dạ dày, nóng rát vùng thượng vị; giúp làm lành vết viêm loét dạ dày, điều trị các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hôi miệng; giúp ăn ngon, ngủ ngon, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tái phát.
Cao Việt Hoàng quảng cáo sai công dụng.
Cũng tại trang web nêu trên, tổ chức kinh doanh còn khẳng định: “Trong năm 2023 Cao Việt Hoàng đã giúp hàng ngàn người trên mọi miền đất nước khỏi các vấn đề về dạ dày, vì vậy vinh dự đạt danh hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng quốc gia” mà không kèm tài liệu, chứng minh.
Do đó, nếu chỉ nghe vào những quảng cáo này, đa số người dùng đều cho rằng Cao Việt Hoàng là “cứu tinh” dành cho người bị bệnh dạ dày, trào ngược... Nhưng với những người hiểu biết, có kiến thức về TPBVSK quảng cáo trên khiến họ hoang mang, lo lắng về chất lượng sản phẩm có được như quảng cáo hay không và bức xúc tại sao quảng cáo trên vẫn chưa bị cơ quan chức năng “tuýt còi”?
Sử dụng hình ảnh bác sỹ để quảng cáo
Để tạo uy tín cho sản phẩm, những trang web trên còn đăng tải thông tin nhiều y, bác sỹ như TS. BSCKII Phạm Việt Hoàng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, nhiều người nổi tiếng như nghệ sỹ Ngân Quỳnh, Cao Minh Đạt cũng được dàn dựng video quảng cáo sai công dụng sản phẩm này.
Trong đoạn video đăng tải, nghệ sỹ Ngân Quỳnh “nổ”: “Ngân Quỳnh dùng nhiều loại chữa dạ dày rồi nhưng dùng đến loại này thấy khác biệt, uống vào đỡ đau luôn, dùng một thời gian bụng không còn đầy hơi, ợ chua nữa, sướng nhất là ăn vào không chướng bụng... Ngân Quỳnh đã ngưng thuốc một thời gian rồi, bây giờ thấy thoải mái không còn tái đi tái lại nữa”.
Người dùng chớ "nhẹ dạ cả tin" tin vào quảng cáo Cao Việt Hoàng mà chi tiền mua sản phẩm sử dụng.
Tham chiếu Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định: "Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy, sản phẩm Cao Việt Hoàng đang sử dụng hình ảnh của các bác sĩ là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, Cao Việt Hoàng do Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng (số nhà 6NV3, khu đô thị Lideco, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức) phân phối, đại diện pháp luật là Nguyễn Anh Đào. Theo bản công bố số 2160/2023/XNQC –ATTP mà Cục ATTP - Bộ Y tế cấp cho đơn vị này thì sản phẩm Cao Việt Hoàng chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có công dụng hỗ trợ giảm acid dịch vị, hỗ trợ bảo vệ niêm mạc dạ dày..., không phải thuốc chữa bệnh, điều trị, xử lý, làm lành viêm loét dạ dày... như những quảng cáo nêu trên.
Trước khi cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ, thiết nghĩ, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, tỉnh táo trước những quảng cáo khoa trương, sai sự thật về sản phẩm Cao Việt Hoàng. Để tránh quảng cáo “thổi phồng” công dụng của TPBVSK Cao Việt Hoàng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật, khiến người tiêu dùng hiểu lầm…, đề nghị Cục ATTP và các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;
Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.
Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.