Cao Việt Hoàng quảng cáo sai công dụng: Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng nói gì?

Phản hồi về những bài viết của Chất lượng Việt Nam (VietQ) phản ánh sản phẩm Cao Việt Hoàng có dấu hiệu kinh doanh vi phạm quy định pháp luật, Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng lại phủ nhận trách nhiệm.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hạn chế tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng, tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Quy định là vậy nhưng sản phẩm TPBVSK Cao Việt Hoàng do Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng (số nhà 6NV3, khu đô thị Lideco, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm và phân phối đang được quảng cáo trên mạng xã hội có công dụng như thuốc điều trị bệnh dạ dày, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Để có thông tin cảnh báo tới dư luận, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tòa soạn Chất lượng Việt Nam VietQ.vn) đã đăng tải nhiều bài viết phản ánh. Cụ thể, tổ chức kinh doanh Cao Việt Hoàng sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, dựng video khách hàng dùng sản phẩm (chưa được kiểm chứng) quảng cáo sai công dụng; lấy danh lương y, bác sĩ tư vấn bắt bệnh qua điện thoại và kê đơn thuốc cho người bệnh dạ dày, viêm loét, vi khuẩn HP... đồng thời khuyên người bệnh nên dừng thuốc tây điều trị.

 Người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua Cao Việt Hoàng sử dụng.

Sau khi các bài viết đăng tải, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả, một số cho biết đã mua sản phẩm Cao Việt Hoàng sử dụng nhưng không khỏi bệnh như quảng cáo. Để bán được nhiều sản phẩm, tổ chức kinh doanh đã tư vấn cho người bệnh mua “nâng liều” để đạt hiệu quả.

Trước thực trạng trên, PV đã liên hệ tới đơn vị phân phối nhưng không nhận được phản hồi. Chỉ sau khi loạt bài viết được đăng tải, được dư luận chia sẻ khắp mạng xã hội, toà soạn mới nhận được phản hồi từ đơn vị phân phối?

Quá trình trao đổi, 2 người nhận là đại diện Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng phủ nhận trách nhiệm, cho rằng trang web https://www.caoviethoang.com/ là giả, các trang trên mạng xã hội quảng cáo sai không thuộc quyền sở hữu của công ty. Thậm chí, người này còn cho rằng những bài viết VietQ đăng tải ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm của đơn vị?

Về việc này, tòa soạn nhận thấy, đối với một đơn vị kinh doanh uy tín, lẽ thường khi phát hiện sản phẩm của đơn vị đang bị quảng cáo sai lệch, gây hiểu nhầm cho người bệnh là thuốc thì Công ty TNHH nghiên cứu và phát triển Cao Việt Hoàng nên phối hợp với tòa soạn để cảnh báo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng Công ty lại “im lặng” suốt thời gian dài, khi những bài viết được đăng tải lại “chối bay” để bảo toàn uy tín.

Vậy, trách nhiệm này thuộc về ai? Nếu Công ty Cao Việt Hoàng không thực hiện thì tổ chức, cá nhân nào có ý tưởng sản xuất cả một chiến lược truyền thông bài bản, quy mô như vậy để quảng cáo miễn phí cho sản phẩm Cao Việt Hoàng? Hơn nữa, trên trang web, các fanpage đều quảng cáo gắn số điện thoại đặt hàng là 1900.25.22.26 – số hotline chính thức của Công ty Cao Việt Hoàng. Điều này đặt nghi vấn liệu có đơn vị giả mạo nào lại đi quảng cáo, giới thiệu người bệnh đặt hàng trên số hotline chính thức của công ty phân phối?

Nếu khách hàng đặt mua thì sản phẩm sẽ được gửi từ đâu, doanh thu về tổ chức nào? Đặc biệt, Công ty Cao Việt Hoàng khẳng định những website mà tòa soạn đăng tải không do công ty quản lý, vậy lý do gì lại "phản ứng" trong khi đây là thông tin rất cần cảnh báo tới khách hàng.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ sai phạm kinh doanh sản phẩm Cao Việt Hoàng.

Trước thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội, Luật sư Đặng Hoài Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) trao đổi với báo chí như sau: Việc quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng với hứa hẹn “chữa khỏi”, là “giải pháp hoàn hảo”, “vĩnh biệt căn bệnh”, “điều trị tận gốc bệnh”... mà chưa được kiểm chứng về chất lượng, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quảng cáo là vi phạm pháp luật. 

Theo Điều 5 Nghị định 123/2018, việc quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có quảng cáo thuốc, thực phẩm chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Nghị định 123/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng quy định đối với hành vi quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định thì mức phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Trường hợp không có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy theo quy định khi quảng cáo có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. 

Ngoài ra, nếu việc quảng cáo không đúng sự thật, quá sự thật khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về công dụng, chức năng của sản phẩm, sử dụng và bị thiệt hại thì tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường tương ứng với thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, người quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù về tội quảng cáo gian dối.