Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch nội địa tháng 8/2023 ước đạt 9,5 triệu lượt khách, giảm 24% so với tháng 7, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 8 tháng qua, ngành du lịch đã đón được 7,8 triệu lượt khách quốc tế và 86 triệu lượt khách nội địa.
Động lực tăng trưởng chính trong tháng này đến từ những thị trường lớn gồm Hàn Quốc (tăng gần 35% so với tháng 7), Trung Quốc (tăng gần 18%), Nhật Bản (tăng 53%). Các thị trường Đông Nam Á còn lại như Thái Lan, Campuchia, Philippinnes "tăng tích cực", theo Cục Du lịch Quốc gia. Tại châu Âu, ba thị trường tăng Anh, Pháp, Đức cũng đều tăng trưởng từ 27 đến 46% so với tháng trước.
Một số thị trường nhỏ hơn nhưng có mức tăng đột phá là Tây Ban Nha (tăng 156%), Italy (tăng 155,8%) và Nga (13%). Đây đều là những nước trong danh sách được hưởng chính sách đơn phương miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP có hiệu lực từ 15/8/2023.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, những thay đổi mới về visa theo hướng tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam là một trong những yếu tố để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói.
"Về lượng khách quốc tế, ngành du lịch có nhiều khả năng sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Thậm chí còn rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế cuối năm, nhất là sau khi một số chính sách tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam vừa có hiệu lực”- ông Khánh dự báo.
Tính riêng tháng 8, Việt Nam đón hơn 1,2 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái và bằng 80% so với năm 2019. Tháng 8 năm nay cũng ghi nhận kỷ lục đón khách quốc tế nhiều nhất của Việt Nam kể từ khi mở cửa.
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch là thực hiện Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Bộ phê duyệt theo Quyết định số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2023.
Để định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, chiến lược đưa ra hàng loạt giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như: Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức marketing du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức truyền thông marketing phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của từng thị trường, từng giai đoạn; tập trung, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ marketing du lịch; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông du lịch, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đơn vị báo chí truyền thông lớn trong nước và quốc tế; nâng cao năng lực marketing du lịch…
Theo ông Hà Văn Siêu, chiến lược là cơ sở đặt nền tảng định hướng cho hàng loạt chương trình hành động của ngành thời gian tới, đặc biệt là trong xây dựng và triển khai các chiến dịch marketing du lịch theo các thị trường trọng điểm (Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nga, Australia...), theo các loại hình sản phẩm du lịch có thế mạnh, tiềm năng (các sản phẩm cao cấp, chất lượng, du lịch golf, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái, MICE...), hay các hoạt động liên kết marketing du lịch vùng…