Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai về thoả thuận nội dung 5 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040.
Trong đó, Bộ Xây dựng lưu ý, đối với khu vực lõi đô thị du lịch Sa Pa hiện hữu (trung tâm khu du lịch Quốc gia Sa Pa) cần hạn chế phát triển xây dựng, đặc biệt về tầng cao và mật độ xây dựng để không gây quá tải sức chứa về hạ tầng và vệ sinh môi trường.
Việc xây dựng khu lõi này phải kế thừa quy chế đô thị Sa Pa năm 2012 do tư vấn của Pháp lập về chiều cao công trình, mật độ xây dựng để giữ gìn phát huy bản sắc đặc trưng của Sa Pa, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Với việc phân bố đất rừng trong các quy hoạch phân khu, UBND tỉnh Lào Cai phải chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với hiện trạng các loại đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng sản xuất.
Bộ Xây dựng đề nghị rà soát cụ thể các chỉ tiêu về mật độ xây dựng tối đa, tầng cao tối đa trong từng phân khu đảm bảo tuân thủ đúng các quy định liên quan đã được xác định tại quy hoạch chung được duyệt.
Cụ thể, đối với các khu hiện trạng cải tạo đề nghị không làm tăng mật độ xây dựng và tầng cao để giảm áp lực vào hệ thống hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Đối với với các khu xây dựng mới, đề nghị làm rõ cơ sở khoa học, tính pháp lý và sự phù hợp với quy hoạch chung về việc đề xuất tầng cao từ 5 đến 7 tầng.
Một số khu vực đề xuất 9, 15 tầng là chưa phù hợp với định hướng quy hoạch chung và cảnh quan tự nhiên của Sa Pa.
Ngoài ra, tỉnh phải rà soát hệ thống công trình hạ tầng xã hội, cây xanh công viên thể dục thể thao, công trình công cộng tại các đơn vị ở và các trung tâm phân khu, đảm bảo quy chuẩn và tính đặc trưng của từng phân khu.
Đặc biệt, UBND tỉnh bổ sung các nguyên tắc, quy định bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, kiến trúc dân tộc và hài hòa với cảnh quan tự nhiên theo định hướng quy hoạch chung đã được duyệt.
Vấn nạn “bê tông hóa” các khu du lịch
Nhận định về việc phát triển quá nóng, phá vỡ quy hoạch, sai quy hoạch tràn lan tại các địa phương có thế mạnh về du lịch như Sa Pa (Lào Cai); Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Phú Quốc (Kiên Giang);… thời gian qua, TSKH. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng việc “bê tông hóa” quá mức các khu du lịch đang làm phá vỡ quy hoạch và thiếu trách nhiệm với thế hệ sau.
Ông Nghiêm nhận định, việc bê tông hóa các điểm du lịch xuất phát từ việc thời gian qua, các địa phương đang chú trọng phát triển du lịch và coi đó là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú ý nhiều nhưng vấn đề cảnh quan, bản sắc của khu vực lại chưa được chú ý đúng mức, thậm chí bị phá vỡ.
Với trường hợp của Sa Pa, ông Nghiêm cho rằng, rõ ràng, du khách đến với Sapa là vì khí hậu, cảnh quan và vì vậy phải đặc biệt bảo vệ các yếu tố này thì mới bền vững được.
Theo đó, trong công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, ông Nghiêm khuyến nghị các địa phương cần xuất phát thực tiễn của địa phương mình, căn cứ vào Quy chế quản lý kiến trúc để rà soát quy hoạch theo định hướng vừa xây dựng quy hoạch mới, vừa điều chỉnh quy hoạch cũ. Đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra khi làm Luật Quy hoạch.
Cũng theo ông Nghiêm, một điểm nữa rất cần thiết để điều chỉnh kịp thời vấn đề bê tông hóa quá mức của các khu du lịch là các địa phương cần có Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Quy định này đã được sửa đổi trong Luật Kiến trúc 2019 thành Quy chế quản lý kiến trúc có hiệu lực từ 1/7/2020.
“Việc xây dựng, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc vốn cần có sự phối hợp chặt chẽ, mật thiết giữa của nhiều đơn vị, trong đó có 3 ngành quan trọng là xây dựng (quy hoạch), ngành văn hóa - thể thao và du lịch (ở góc độ tham gia bảo tồn cảnh quan) và ngành tài nguyên và môi trường (liên quan việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Nếu làm tốt việc này thì chúng ta sẽ có một công cụ rất tốt để quản lý cấp phép cũng như theo dõi việc thực hiện của các dự án trong thực tế”, ông Nghiêm nhận định.
Cuối cùng, theo ông Nghiêm, khi đã có Quy hoạch tốt, Quy chế quản ký kiến trúc thì phần còn lại là ở người thực hiện trực tiếp tại các địa phương.
“Trên hết, chúng ta phải tâm niệm việc tôn trọng cảnh quan thiên nhiên là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau cùng được hưởng và phát triển, chứ không phải vì lợi ích trước mắt”, ông Nghiêm khuyến cáo.