Tối 14/5, tại Khu Du lịch Quốc gia Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã long trọng tổ chức Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 chủ đề “Hà Nam – Hành trình kết nối” và chương trình giao lưu Nghệ thuật truyền thống Việt Nam – Nhật Bản nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023), 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023). Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới dự.
Dự buổi lễ có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam Lê Thị Thủy; Phó Bí thư Thường trực tỉnh Hà Nam Đinh Thị Lụa, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy,...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: vov.vn) |
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các địa phương lân cận; các đại biểu tôn giáo của Việt Nam, Nhật Bản và đông đảo Nhân dân Hà Nam.
Về phía khách quốc tế có: Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; đại diện Đại sứ quán một số nước và đại diện UNESCO tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tuần Văn hoá, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh Hà Nam là vùng đất có bề dày lịch sử-văn hóa với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, quý báu mang đậm bản sắc vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh có hàng nghìn di tích các loại, trong đó có 2 Di tích Quốc gia Đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 3 Bảo vật Quốc gia; 12 Di sản Văn hóa Phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia... Cùng với đó là hệ thống sông núi hang động nổi tiếng, với điểm nhấn khu vực Tam Chúc là điểm hấp dẫn thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước.
Đến với Tuần lễ Văn hoá - Du lịch Hà Nam 2023, các đại biểu và du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, Lễ hội khinh khí cầu... Việc tổ chức các sự kiện quy mô, chất lượng không chỉ nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch mà còn tạo cơ hội để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác, đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Hà Nam.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: vov.vn) |
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tỉnh Hà Nam đã chủ động triển khai đồng bộ, sáng tạo, tích cực các hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó đã hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và đạt nhiều kết quả tích cực. Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản được tổ chức trong khuôn khổ Tuần Văn hoá, Du lịch Hà Nam năm 2023 với mong muốn tiếp tục giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống, mối quan hệ gắn bó, hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc, giữa tỉnh Hà Nam và các địa phương, tổ chức của Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay, gắn kết mạnh mẽ chưa từng thấy trong tất cả các lĩnh vực. Một trong những địa phương đã trở thành hình mẫu cho quan hệ hợp tác hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam là tỉnh Hà Nam.
Theo Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, Hà Nam đã nêu rõ và thực hiện nghiêm túc 10 cam kết để thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang được hoạt động trong môi trường đầu tư thuận lợi.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023. (Ảnh: TTXVN) |
Chương trình lễ khai mạc được mở màn bằng các màn biểu diễn các vở hài kịch truyền thống Kyogen - thể loại hài kịch đầu tiên ra đời tại Nhật Bản với bề dày truyền thống 650 năm, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; các nghệ sỹ Việt Nam, Nhật Bản biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống của mỗi nước.
Giới thiệu tiết mục hài kịch Kyogen có nhan đề “Cây nấm” mà các nghệ sỹ Nhật Bản đã biểu diễn, Đại sứ Nhật Bản cho rằng người dân Việt Nam và Nhật Bản có sự tương đồng về sự hài hước. Sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau đã góp phần vun đắp nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Nhật Bản-Việt Nam. "Thông qua tiết mục hài kịch truyền thống Kyogen hôm nay, tôi hy vọng quý vị có thể một lần nữa khám phá ra sự sâu sắc trong sợi dây kết nối văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam,” Đại sứ Yamada Takio nói.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao quyết định công nhận 2 Bảo vật Quốc gia cho tỉnh Hà Nam. Đó là Bảo vật Quốc gia Bia đá chùa Giàu (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) và Bảo vật Quốc gia Trống đồng Tiên Nội 1.
Bia đá chùa Giàu nằm trong khuôn viên chùa Giàu tại thôn 2, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, được dựng vào năm 1366, khắc nổi chân dung một vị Hoàng đế thời Trần. Đây là tấm bia cổ, duy nhất có niên đại thời Trần, thể hiện nghệ thuật trang trí độc đáo và nhiều giá trị tư liệu để nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật, địa danh hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng… thời Trần.
Trống đồng Tiên Nội 1 là hiện vật độc đáo trong bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn gồm 16 chiếc của Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Mặt trống có hoa văn trang trí là sự kết hợp của các hoa văn kỷ hà và hoa văn tả thực. Vành hoa văn số 7 được trang trí chủ đề chim và cá. Cho đến nay, sự kết hợp này duy nhất chỉ được bắt gặp trên mặt trống Tiên Nội 1, với niên đại dự đoán trong khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III trước công nguyên. Tiêu bản Trống đồng Tiên Nội 1 rất có giá trị để nghiên cứu về kỹ thuật đúc đồng, sự thành thạo trong pha trộn hợp kim của cư dân Lạc Việt; trang trí trên trống biểu hiện cho các tinh hoa về nghệ thuật, tư duy thẩm mỹ và là biểu tượng của cư dân Việt cổ hơn 2.000 năm trước.
Nhân dịp này, Bộ VH,TT&DL đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đối với 4 di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh là di tích cấp quốc gia, gồm: Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng; Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao bằng Di tích lịch sử Quốc gia. Lâm Hiển/VPQH |
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tự hào non nước Hà Nam” là điểm nhấn của lễ khai mạc với 5 trường đoạn gồm các tiết mục hát múa đặc sắc, được dàn dựng công phu nhằm ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam; Bác Hồ kính yêu, vẻ đẹp non nước, con người và văn hóa Hà Nam, sự cuốn hút của khu du lịch sinh thái – tâm linh Tam Chúc…mang tên “Có một Hà Nam như thế”, “Giao thoa văn hóa”, “Cung đường hành hương”, “Tam Chúc – Khu du lịch sinh thái tâm linh” và “Hương sắc Hà Nam”. Sự góp mặt của những ngôi sao nổi tiếng như Tân Nhàn, Noo Phước Thịnh, Tùng Dương, Dương Hoàng Yến, Anh Thơ... khuấy động bầu không khí sự kiện với hàng chục nghìn khán giả trực tiếp theo dõi.
Chương trình lễ khai được được khép lại bằng màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài 15 phút chào mừng sự kiện tại khu vực Thủy đình, Khu du lịch Tam Chúc đã đem lại hứng khởi và ấn tượng sâu sắc cho đông đảo nhân dân, du khách về tham dự chương trình.
Sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, lầu đầu tiên Tuần Văn hóa – Du lịch Hà Nam được tổ chức với hàng chục sự kiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch; thiết thực kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973- 21/9/2023). Trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023, nhiều sự kiện sẽ trở thành điểm nhấn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Các liên hoan nghệ thuật toàn quốc, liên hoan văn hóa nghệ thuật của tỉnh được tổ chức tại Nhà văn hóa tỉnh; Trưng bày cổ vật tiêu biểu; Giải chạy việt dã Sacombank vì sức khỏe cộng đồng; Giải đua thuyền rồng - Lễ hội Tam Chúc lần thứ nhất…