Triển vọng kinh tế 2024: Kỳ vọng ở dòng vốn FDI

Nhiều tổ chức kinh tế có cái nhìn tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.
kinhte-viet-nam-2024-1707101363.jpgẢnh minh hoạ 
 

Triển vọng tích cực

2023 là một năm đầy thách thức với kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Bất chấp những khó khăn như căng thẳng địa chính trị, xung đột tại nhiều khu vực, an ninh năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa cùng chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương,… các hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều thành tựu đáng chú ý.

Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt khoảng 5%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (2,9%) và mức bình quân của khu vực ASEAN (4,3%). Mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 cũng tương đương mức tăng trưởng của Trung Quốc. Công ty tư vấn McKinsey nhận định, khu vực Đông Nam Á là điểm sáng trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu, trong đó, Việt Nam là một trong bốn quốc gia thuộc nhóm tăng trưởng cao bên cạnh Malaysia, Philippines và Singapore.

Bước sang năm 2024, bất chấp những “cơn gió ngược”, nhiều tổ chức kinh tế đặt cược vào sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024 và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Nguyên nhân đằng sau mức tăng trưởng này là do nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn được duy trì, IMF nhận định.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. Nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ các chính sách đúng đắn giúp tháo dỡ các rào cản trong đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng. WB nhận định mặc dù môi trường bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu trong nước yếu hơn đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam chậm lại nhưng về dài hạn, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong những năm tiếp theo.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm 2024 sẽ ở mức 6%, tăng đáng kể so với mức dự báo tăng 5,2% năm 2023. Mức tăng trưởng 6% của Việt Nam được ADB đánh giá là khá tốt so với nhiều nước trong khu vực.

Về dài hạn, Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Thái Lan hay Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 toàn cầu vào năm 2038. Theo CEBR, viễn cảnh 15 năm tiếp theo của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan với tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam được dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024 – 2028 và sẽ lên mức 6,4% trong 9 năm tiếp theo.

Còn theo xếp hạng trên bảng xếp hạng Liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT), quy mô kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có bước nhảy vọt trong 14 năm tới. Thứ hạng Việt Nam có thể tăng nhanh và đạt vị trí 24 trong năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038, theo WELT.

Chìa khóa cho sự tăng trưởng

Tờ Bloomberg từng nhận định Việt Nam là một trong năm nước đóng vai trò là nhân tố kết nối kinh tế trong một thế giới bị chia rẽ nhờ có chính sách cân bằng, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh môi trường toàn cầu bất ổn. Bloomberg cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng của năm 2023 nhờ xuất khẩu và sự gia tăng trong sản xuất và đầu tư. “Nền kinh tế đang phát triển nhanh đã khiến Việt Nam trở thành môi trường hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, Bloomberg nhận định.

Cùng chung quan điểm, ngân hàng UOB cũng dự đoán rằng dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ có triển vọng đầy hứa hẹn trong năm 2024. “Khu vực hóa/phi toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, các hoạt động ‘friend-shoring’ (chuyển sản xuất sang nước bằng hữu) sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam và mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động”, ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu thuộc Ngân hàng UOB tại Việt Nam cho biết tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16.

Ông cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia dẫn đầu về thu hút FDI chỉ sau Singapore và Indonesia. Vào năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip. Theo nhiều chuyên gia, việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, có vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động lành nghề cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến nhận được sự ưu ái từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Những “cơn gió ngược”

Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024. Vẫn theo ông Suan Teck Kin, đa số các quốc gia ở châu Á và Đông Nam Á phụ thuộc vào các hoạt động thương mại toàn cầu nên rất bị tổn thương bởi cung – cầu thế giới. “Đơn cử như Singapore có kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 bằng 337% GDP hay của Việt Nam bằng 186,5% GDP nên rất dễ bị tổn thương bởi cung – cầu thế giới. Đây cũng là 2 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bị tác động mạnh nhất bởi suy giảm tổng cầu trên thế giới”, ông nói. Chính vì thế, các tác động tiêu cực từ bên ngoài, như sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc hay căng thẳng địa chính trị leo thang, cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.

Ông David Dapice, nhà kinh tế học cao cấp tại Đại học Harvard cũng cho rằng những trở ngại như Mỹ và Liên minh châu Âu rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng rất chậm hay nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và du lịch sẽ khiến kịch bản tăng trưởng của Việt Nam khó thành hiện thực.

Theo nhiều tổ chức kinh tế thế giới, tình trạng thiếu lao động chất lượng cao, nhất là ở các ngành nghề mới, thu hút đầu tư nước ngoài, sẽ khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiến xa hơn trong việc thu hút FDI và phát triển lĩnh vực sản xuất trong nước. “Một trong những lý do Intel quyết định không mở rộng sản xuất tại Việt Nam là do thiếu lao động có trình độ cao trong lĩnh vực bán dẫn”, ông David Dapice nói.

Theo bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam, đầu tư tư nhân ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng cũng chững lại. Cùng với đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, bà khuyến nghị Việt Nam cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này để tăng trưởng kinh tế 2024 được như kỳ vọng.