Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.
Trước đó, theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 6/2023 tăng 4,6% so với đầu năm. Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng dương, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục. Hiện nay, lãi suất tiền gửi cao nhất tại các ngân hàng nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) chỉ còn 5,5%/năm, thấp ngang với giai đoạn Covid 19.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%. Năm 2021: huy động vốn 9 tháng tăng 5,2% trong khi tín dụng tăng 7,88%.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm: NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14%. Điều này đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống. Trong báo cáo phân tích gần đây, công ty chứng khoán BSC cho biết, số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.