Các kênh tài sản vừa trải qua giai đoạn biến động không đồng nhất. Với cổ phiếu, sau thời gian dài tăng liên tục, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giảm sâu nhất kể từ đầu năm 2023 tới nay, hiện ở mức 1.177,99 điểm, giảm 44,9 điểm so với cuối tháng 7. Thị trường bất động sản thì vẫn trầm lắng, giá giảm khá mạnh và chưa có tín hiệu hồi phục thì lại bước vào "tháng ngâu", hay "tháng cô hồn". Giá vàng trong khi đó biến động chậm và giao dịch thưa thớt.
Ở kênh đầu tư an toàn, tiền gửi ngân hàng sau khi lập đỉnh lãi suất trong quý 1 thì đã quay đầu giảm liên tục từ quý 2 tới nay và đang ở vùng thấp hơn cả trước giai đoạn Covid-19. Lãi suất ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thậm chí còn rơi xuống thấp hơn cả lãi tiền gửi ở nhóm Big4.
Sự điều chỉnh mạnh ở các kênh đầu tư đang tạo ra 2 ngã rẽ và có thể dẫn đến các kết quả khác nhau cho nhà đầu tư. Giữa bối cảnh đó, nên chọn trú ẩn hay mạnh dạn tìm kiếm cơ hội đang là vấn đề nhiều người quan tâm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, hiện tại, thị trường tài sản đang vào buổi bình mình dù chưa hoàn toàn ra khỏi đêm tối nhưng đã bắt đầu có những tia sáng. Đây là thời điểm nhà đầu tư có thể bắt đầu tìm kiếm cơ hội. Từ giờ đến cuối năm, có 3 lớp tài sản nhà đầu tư có thể chú ý gồm: 1) tiền gửi; 2) các bất động sản thế hệ mới: 3) đầu tư chứng khoán dài hạn.
Về lớp tài sản tiền gửi, ông Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng đây là một kênh đầu tư an toàn, dù lãi suất đã giảm, song nhà đầu tư không phải chịu rủi ro mất vốn vì đã có sự bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước. Tài sản vẫn tăng trưởng bền vững, đồng thời lại có thể được nhận thêm nhiều dịch vụ khác của ngân hàng.
Với nhóm bất động sản, chuyên gia cho rằng do một số vấn đề như: 1) pháp lý không rõ ràng nên nhà đầu tư ngại giao dịch; 2) giá nhà cao, do quán tính từ những năm trước, các đơn vị đầu cơ, tích trữ; 3) các thủ tục hành chính phức tạp đang ngáng đường; 4) chi phí đi vay cao, nên nhà đầu tư mà lượng giao dịch trên thị trường bất động sản đã giảm xuống đáng kể; và 5) một yếu tố khác là giá trị tương lai của một số bất động sản chưa được định hình rõ ràng. Tuy nhiên, hiện đã có các chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn và ngành cũng đã cho thấy một số tín hiệu thời điểm khó khăn nhất đã qua đi. Theo dự kiến của Quốc hội, đến tháng 10/2023 Luật Đất đai mới sẽ được thông qua và có thể đến cuối năm 2024 các thông tư, nghị định hướng dẫn được ban hành chi tiết và bắt đầu triển khai áp dụng.
Trên cơ sở đó, ThS. Dũng cho rằng phải đến ít nhất là cuối năm 2024 dòng tiền trên thị trường bất động sản mới sôi động trở lại. Đồng thời, sẽ có 3 phân khúc bất động sản nhà đầu tư có thể chú ý trong thời gian tới gồm: 1) Nhóm có điều kiện pháp lý hoàn thiện và có tiềm năng tăng giá trong tương lai, đây cũng sẽ là nhóm thu hút dòng tiền nhiều nhất; 2) dòng bất động sản đã có những giải pháp được tháo gỡ, đồng thời dự kiến cuối năm 2024 các thủ tục pháp lý hoàn thành; và 3) các dòng bất động sản rủi ro cao, song nhóm này sẽ chỉ nhận được sự chú ý của khoảng 10-20% dòng tiền.
Đối với chứng khoán, từ giờ đến cuối năm, ThS.Dũng cho rằng việc mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được hạ xuống, thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Trên cơ sở đó, ông Dũng dự báo, VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 1.250 ± 80 điểm, thanh khoản và lượng tài khoản mở mới sẽ tiếp tục tăng 15-20% so với đầu năm. Tuy nhiên, đây là một thị trường rất kén nhà đầu tư. Cụ thể, các số liệu cho thấy, như trong giai đoạn hưng thịnh nhất của thị trường chứng khoán (năm 2020 - 2021) chỉ có khoảng 30% nhà đầu tư có chuyên môn, tầm nhìn dài hạn lựa đúng cổ phiếu, triển vọng mới thực sự hưởng lợi.
“Nhìn chung, từ giờ đến cuối năm, vẫn sẽ có cơ hội, song nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng với các rủi ro. Nhà đầu tư cần hạn chế đầu tư vào các tài sản lướt sóng như bất động sản chưa có pháp lý, các kênh đầu tư nhà nước chưa công nhận như tiền số, tài sản ảo, hay các doanh nghiệp, dự án có nhiều rủi ro”, ông Dũng nhấn mạnh.
ThS.Nguyễn Hoàng Dũng cũng đề cập đến xu hướng đầu tư xanh, đầu tư phát triển bền vững. Chuyên gia đánh giá đây sẽ là một xu hướng lớn thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là các mô típ đầu tư rất mới, chưa có nhiều dữ liệu lịch sử để tham chiếu về hiệu quả, mức độ an toàn. Do đó, nhà đầu tư cần quan sát, cẩn thận các rủi ro. Đồng thời, nếu đã rót vốn vào loại hình doanh nghiệp này, nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn chờ đợi hành vi người tiêu dùng dần quen với các sản phẩm này. Các nhà băng cũng như các đơn vị cấp vốn cũng cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định về tính khả thi, khả năng thu hồi vốn của các dự án này.