Ngân hàng đồng loạt thoái vốn tại công ty tài chính
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã ban hành văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) cho AEON Financial (thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản).
Trước đó, vào tháng 10/2023, SeABank đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF cho AEON Financial với giá 4.300 tỷ đồng.
PTF được thành lập vào tháng 10/1998 và hiện là một trong những công ty tài chính đầu tiên tại Việt Nam với vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước. PTF về tay SeABank vào năm 2018 sau khi ngân hàng này mua lại 100% vốn góp từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với giá 710 tỷ đồng.
Trong chia sẻ với VietnamFinance, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích Dịch vụ Tài Chính, FiinGroup cho biết: “Sau một loạt các giao dịch M&A, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự tham gia ngày càng tăng của các 'ông lớn' nước ngoài, cùng với xu hướng thoái vốn của một số ngân hàng trong nước tại các nhánh tài chính tiêu dùng của họ”.
Bà dẫn chứng, tỷ lệ các công ty tài chính độc lập đang ngày càng tăng trong bối cảnh các ngân hàng dần thoái vốn khỏi các công ty tài chính. Trong giai đoạn 2019 – 2023, tỷ lệ các công ty tài chính thuộc sở hữu của các ngân hàng đã giảm từ 65,3% xuống còn 59,1%”, bà nói.
Trước SeABank, nhiều ngân hàng tại Việt Nam như VPBank, SHB, Techcombank, MB, HDBank cũng đã chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn công ty tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) bán toàn bộ 100% cổ phần Công ty Tài chính Techcom Finance cho Lotte Card (Hàn Quốc) với giá trị gần 87 triệu USD.
Ngoài ra, thị trường vẫn đang trông đợi một số thương vụ M&A tiềm năng khác. Đơn cử như MSB đang tiến hành kế hoạch bán công ty tài chính TNEX Finance. Được biết, đã có ba nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan quan tâm tới công ty tài chính này.
Vì sao bán vốn cho các công ty nước ngoài?
Trước năm 2024, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã phải đối mặt với một thời gian đầy sóng gió khi bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi suy thoái kinh tế và các điều kiện tín dụng không thuận lợi.
Thời điểm đó, sự tăng trưởng tín dụng của cả ngân hàng và công ty tài chính rơi vào trạng thái chậm lại, do nhu cầu tín dụng yếu ớt, chất lượng tín dụng của khách hàng sụt giảm, tỷ lệ nợ quá hạn gia tăng và chính sách cho vay ngày càng trở nên thận trọng hơn. Việc trích lập dự phòng lớn cũng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Theo bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Phân tích Dịch vụ Tài Chính của FiinGroup, những khó khăn kể trên là thách thức đối với các công ty tài chính lẫn ngân hàng song lại mang đến cơ hội cho các đối tác nước ngoài.
“Sau giai đoạn khó khăn, các công ty tài chính cần thêm vốn để tái cấu trúc, duy trì khả năng cạnh tranh và mở rộng hoạt động. Các ngân hàng có kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty tài chính tiêu dùng để tập trung vào các dịch vụ vốt lõi.
Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp các công ty tài chính mở rộng hệ sinh thái, phạm vi tiếp cận khách hàng và cung cấp chuyên môn, công nghệ và các gói tài chính phù hợp”, bà Oanh nói.
Một trong những lợi ích đầu tiên của những thương vụ bán vốn công ty tài chính là việc ngân hàng nhận được thêm một lượng tiền đáng kể, gia tăng nguồn lực tài chính để đầu tư vào lĩnh vực khác hoặc củng cố hệ thống ngân hàng.
Trong chia sẻ với nhà đầu tư, SeABank cho biết, việc chuyển nhượng 100% vốn tại PTF cho đối tác Nhật Bản là dự án quan trọng nằm trong lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông SeABank thông qua.
“Dự án này nhằm giúp SeABank cơ cấu nguồn vốn, tăng cường năng lực tài chính để mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh theo hướng trọng tâm và tăng trưởng bền vững, tiến gần đến mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất”, đại diện SeABank cho hay.
Mục đích của SeABank khi thoái vốn khỏi công ty tài chính cũng giống với mục đích của nhiều ngân hàng khác. Trước đó, theo CSI Sercurities, trong thương vụ bán lại 49% vốn FE Credit năm 2021, nguồn lực từ thương vụ này giúp VPBank trở thành một trong những ngân hàng có bộ đệm vốn dày nhất hệ thống khi đó.
Đối với các công ty tài chính, kinh nghiệm và kỹ năng quản trị trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng như điều hành, quản trị rủi ro,… của các “ông lớn” nước ngoài sẽ giúp cho các công ty này vận hành chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả hơn trong tương lai.
Ở phía nhà đầu tư ngoại, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam với dân số trẻ và nhu cầu gia tăng đang là “miếng bánh ngọt” hấp dẫn. Theo Trưởng phòng Phân tích Dịch vụ Tài Chính của FiinGroup, về dài hạn, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ tỷ lệ thâm nhập thấp so với các nước cùng khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ người vay mới, chủ yếu là Gen Z.
Việc ngày càng có nhiều các "ông lớn" nước ngoài gia nhập thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam dự báo sẽ tạo ra một làn sóng chuyển mình mạnh mẽ như thúc đẩy sự cạnh tranh, đưa ra những dịch vụ tài chính linh hoạt và hiện đại hơn, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Từ đó, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn trở nên minh bạch và bền vững hơn.