Kinh doanh sa sút, nợ xấu tăng mạnh, cổ đông lớn VIB quyết liệt thoái vốn

Trong bối cảnh VIB vừa báo lợi nhuận quý III/2024 "đi lùi" và tỷ lệ nợ xấu tăng cao thì cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia liên tiếp thoái vốn, hiện chỉ còn sở hữu 4,7 cổ phần ngân hàng này.

Kể từ đầu tháng 11 tới nay, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) liên tục ghi nhận biến động sở hữu của các cổ đông lớn. Đáng chú ý nhất là động thái thoái vốn liên tiếp của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA).

Ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Australia này từng là cổ đông lớn nhất của VIB khi nắm giữ tới 20% vốn nhưng liên tiếp thoái vốn trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây.

Cụ thể, ngày 26/09/2024, CBA bán 148 triệu cp VIB, hạ tỷ lệ sở hữu tại VIB từ 19,74% (588,2 triệu cổ phiếu) xuống còn 14,78% (440,2 triệu cổ phiếu).

Đến phiên 29/10, CBA tiếp tục bán ra 300 triệu cổ phiếu VIB, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ 440,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 14,78%) xuống 140,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,7%) và không còn là cổ đông lớn của VIB. Ước tính công ty đã thu về khoảng 8.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.

Động thái thoái vốn của khối ngoại tại VIB được cho là bắt nguồn từ quyết định của Đại hội đồng cổ đông bất thường của VIB vào tháng 6. Trong đó, Đại hội đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%.

Điều này có nghĩa, CBA không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc mua cổ phần trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc do VIB mua lại cổ phần theo quy định.

Song song với động thái thoái vốn của CAB thì nhóm cổ đông liên quan đến doanh nghiệp hơn 1 tháng tuổi là Công ty cổ phần Unicap lại tăng tỷ lệ sở hữu lên 6,78%, qua đó trở thành cổ đông lớn của VIB.

Trước những diễn biến trên, VIB lại cho thấy tình hình kinh doanh ảm đạm khi là một trong số ít các ngân hàng niêm yết ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm trong quý III/2024.

Gần như các mảng kinh doanh trong kỳ đều "đi lùi" như: Thu nhập lãi thuần gần 4.060 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% về hơn 409 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 58%, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 42%.

Nguồn thu giảm trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ vẫn neo cao đã kéo lợi nhuận của VIB giảm gần 26% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của VIB, thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm cùng với việc tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên lợi nhuận sau thuế quý III/2024 hợp nhất giảm 26% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần giảm 8,3%, về gần 12.677 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 5.283 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản VIB ở mức gần 445.378 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 297.550 tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của VIB là 405.436 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi khách hàng ở mức 255.633 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm; tiền gửi và vay của các tổ chức tín dụng khác 113.853 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của VIB là 11.461 tỷ đồng, tăng 37% so với thời điểm hồi cuối năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 2.198 tỷ đồng lên 5.986 tỷ đồng và chiếm 52% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,14% hồi cuối năm 2023 lên mức 3,85% sau 9 tháng.