Cận kề thời hạn tạm dừng áp thuế quan, vào thứ Hai ngày 7/7/2025 (giờ Hoa Kỳ), Tổng thống Donald Trump đã tăng cường áp lực lên các đối tác thương mại của Mỹ bằng mức thuế quan mới. Bên cạnh đó, ông Trump cũng có động thái giảm bớt căng thẳng kinh tế khi gia hạn ngày áp dụng tất cả mức thuế quan đối ứng đến ngày 1/8 tới đây. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không nằm trong danh sách được quyền hưởng ưu tiên này.

Trước đó, mức thuế quan đối ứng dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 9/7/2025. Mức thuế quan mới dao động từ 25 tới 40% áp dụng với 14 quốc gia. Theo thông tin từ Nhà trắng và Đài Quan sát Phức hợp Kinh tế Mỹ, có quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan đối ứng thấp hơn so với mức đã công bố từ tháng 4 vừa qua, nhưng cũng có quốc gia bị đánh thuế quan đối ứng cao hơn.
Cụ thể những quốc gia bị đánh thuế đối ứng 25% gồm có Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Tunisia. Còn lại, các quốc gia lần lượt bị đánh thuế quan đối ứng cao là Nam Phi, Bosnia và Herzegovina cùng ở mức 30%, Indonesia 32%, Bangladesh và Serbia 35%, Thái Lan và Campuchia 36%, Lào và Myanmar cao nhất ở mức 40%. Theo đó, mức thuế đối ứng này được áp dụng cho phần lớn các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia vào Mỹ chứ không áp dụng cho tất cả, bao gồm cả những sản phẩm đã được miễn trừ thuế. Bên cạnh đó, thuế quan đối ứng này cũng tách biệt với tất cả thuế quan theo ngành và không áp dụng chồng lên mức thuế hiện tại. Nhà trắng cho biết, công thức này cũng sẽ áp dụng cho bất kỳ mức thuế quan cụ thể nào trong tương lai.
Lý do khiến Tổng thống Trump quyết định áp thuế đối ứng lên các quốc gia đối tác thương mại trong nhiệm kỳ nhậm chức lần 2 đó chính là vấn đề thâm hụt thương mại mà Mỹ đang phải chịu. Điều đó cũng có nghĩa Mỹ đang nhập khẩu từ các quốc gia đó nhiều hơn xuất khẩu. Ông Trump cho biết, mức thuế quan đối ứng được áp dụng cũng là một cách để đáp trả lại các chính sách gây cản trở cho hàng hóa Mỹ xuất khẩu đi các nước. Để tránh mức thuế quan cao chót vót này, ông Trump khuyến khích các quốc gia đối tác thương mại sản xuất hàng hóa trực tiếp tại Mỹ.
Đối với khối Liên minh châu Âu, Tổng thống Trump dường như vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào mặc dù trước đó, ông đã nhiều lần đe dọa sẽ tăng thuế quan. Ông Olof Gill, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào khi chưa nhận được thư thông báo từ Tổng thống Trump. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ireland - Simon Harris cho biết, EU đang mong đợi gia hạn mức thuế quan đối ứng đến ngày 1/8 để có thêm thời gian đạt được thỏa thuận có lợi cho cả hai bên.
Những nguy cơ từ mức thuế quan đối ứng của Mỹ
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ trong năm 2024, nước này đã mua 465 tỷ USD hàng hóa từ 14 quốc gia nhận được thông báo thuế quan đối ứng mới ngày 7/7 vừa qua. Với mong muốn tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài từ chính phủ, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với mức giá cả tăng cao.

Trong số những sản phẩm hàng đầu mà Mỹ ưu tiên nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đặc biệt phải kể tới ô tô, phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm và máy móc. Sản lượng xuất khẩu bạch kim của Nam Phi sang Mỹ tuy không nhiều bằng Nhật và Hàn nhưng lại chiếm tới một nửa lượng bạch kim mà Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia khác, đồng thời cũng là nhà cung cấp bạch kim hàng đầu cho Mỹ. Trong khi đó, Malaysia là nguồn cung cấp chất bán dẫn lớn thứ 2 được xuất khẩu vào Mỹ trong năm 2024. Còn Bangladesh, Indonesia và Campuchia lại là những nơi sản xuất hàng đầu về hàng may mặc và phụ kiện.
Chỉ vài tiếng sau khi mức thuế quan đối ứng mới được công bố, vấn đề trực tiếp ảnh hưởng nhất tới thị trường quốc tế chính là cổ phiếu. Mức cổ phiếu đã giảm ngay khi Tổng thống Trump gửi thư thông báo tới 14 quốc gia kể trên.
Mặc dù phía Mỹ đã khẳng định, thuế quan đối ứng sẽ không được áp dụng chồng lên thuế quan ngành nhưng cổ phiếu ngành ô tô, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô lớn tại Nhật và Hàn vẫn giảm mạnh. Cổ phiếu của Toyota tại Mỹ đã giảm 4%, Nissan giảm 7,16% và Honda giảm 3,86%.
Sự sụt giảm này cho thấy, nếu Nhật và Hàn phản ứng lại mức thuế quan 25% của Mỹ bằng cách đánh thuế cao hơn vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thì Tổng thống Trump sẽ trả đũa ngược lại bằng cách tăng thuế cao hơn đối với ô tô từ 2 quốc gia này. Điều này có thể dẫn sự sụt giảm các chỉ số kinh tế như đầu tư, thương mại, giá cổ phiếu liên quan… Tuy nhiên, ông Trump cũng vẫn gợi mở về hợp tác thương mại đối với mỗi quốc gia để mức thuế quan đối ứng này có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm.
Chỉ số Dow đóng cửa thấp hơn 0,94% với 422 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,79% và chỉ số lĩnh vực công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,92%. Trong khoảng 3 tuần trở lại đây, 3 chỉ số này đã có giao dịch kém nhất.