Tại thị trường gạo châu Á, theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 10/8, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng so tuần trước đó. Cụ thể, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu tăng 20 USD/tấn lên 638 USD/tấn; gạo Thái Lan 5% tấm tăng 10 USD/tấn lên 651 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, giá xuất khẩu của nước ta cũng đã tăng 20 USD/tấn lên 618 USD/tấn, nối dài khoảng cách lên tới 31 USD/tấn so với giá gạo cùng loại của Thái Lan.
Trên thị trường nội địa, giá lúa gạo trong nước cũng tiếp tục gia tăng so với tuần trước đó. Cụ thể, theo cập nhật của Sở Công Thương An Giang lúc 10h30 ngày 11/8, giá nếp An Giang (tươi) đạt 6.300 - 6.600 đồng/kg; Nếp Long An (tươi) 6.700 - 7.000 đồng/kg; Nếp An Giang (khô) 7.400 - 7.600 đồng/kg; Nếp Long An (khô) 7.700 - 7.900 đồng/kg; Lúa IR 50404 7.300 - 7.500 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 7.400 - 7.500 đồng/kg; gạo Nếp ruột 14.000 - 16.000 đồng/kg; Gạo thường 11.500 - 12.500 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 23.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Gạo thơm Jasmine 14.000 - 15.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg…
Bộ Công Thương đánh giá, hiện tượng thời tiết El Nino xuất hiện ở châu Á đang gây lo ngại tại nhiều quốc gia về hoạt động sản xuất lương thực. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng đến cuối năm nay do lượng gạo tiêu thụ trên thế giới tăng cao kỷ lục trong hai năm 2023 - 2024, trong khi sản lượng sản xuất và tồn kho gạo toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 24 triệu tấn, trong đó khoảng 13 tấn dành cho xuất khẩu. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn, thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Giá gạo Việt Nam tiếp tục neo ở vùng giá cao khi nhu cầu trên thế giới cao, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do vụ thu hoạch cũ đã kết thúc. Bộ Công Thương khuyến nghị, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục duy trì đà tăng cả về giá trị và khối lượng, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội giá lên cao để đổi mới công tác phát triển thị trường.
Theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải: "Ở khâu thương mại, các doanh nghiệp tập trung vào việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để định hình cũng như nâng cao giá trị của hạt gạo. Cùng với vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo Việt cũng đang khẳng định là hạt gạo hội tụ đầy đủ các yếu tố: ngon, chất lượng, an toàn. Do đó, bên cạnh thương hiệu gạo chung của quốc gia, những doanh nghiệp cần gắn với “tên tuổi” loại gạo cụ thể".
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) Tô Ngọc Sơn đánh giá, nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường truyền thống của Việt Nam như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng đang tạo cơ hội để ngành gạo tăng tốc xuất khẩu. Đặc biệt, cả Indonesia và châu Phi đều công bố lượng nhập khẩu tăng đáng kể so với năm trước, bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia. Indonesia đã quyết định gia tăng lượng gạo thu mua dự trữ lên 2,4 triệu tấn thay vì khoảng 1,2 triệu tấn nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành gạo đã xuất khẩu 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Vì vậy, năm 2023, Việt Nam còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mức, tận dụng thời cơ để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thuận lợi nhất; thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo cho người dân ở mức có lợi nhất. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng như các bộ ngành có liên quan luôn theo dõi sát diễn biến thị trường để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến, thay đổi của thị trường xuất khẩu; đồng thời với đó, phải đảm bảo công tác an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.