Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê tháng 7 của nước ta đạt 108.872 tấn, giảm 22,6% so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm nay của Việt Nam giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.116.804 tấn.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, giá hai mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều. Giá Arabica quay đầu suy yếu khi xuất khẩu cà phê tại Brazil được đẩy mạnh trong những ngày đầu tháng 8. Trung bình hàng ngày trong tuần đầu tiên của tháng 8 năm 2023, Brazil xuất khẩu 8.374,1 tấn cà phê xanh, tăng 37,7% so với mức 6.082,1 tấn cà phê mà quốc gia này vận chuyển trung bình hàng ngày trong tháng 8 năm 2022. Trong khi đó, giá Robusta tiếp tục khởi sắc với lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Trên thị trường Robusta, tồn kho Robusta trên Sở ICE hiện ghi nhận ở mức 50.190 tấn, thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Với tình hình nguồn cung từ phía Brazil dường như chưa đủ để bù đắp khan hiếm từ thị trường Việt Nam, dữ liệu tồn kho khó có thể tăng trong ngắn hạn. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, Brazil đang tích cực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê Robusta khi nguồn cung vụ mới sẵn có. Điều này cũng phần nào dằn lại mối lo của thị trường, từ đó giảm bớt lực suy yếu của giá cà phê Robusta.
Theo tin từ Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2023, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm nhập khẩu cà phê do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh khi kinh tế vẫn đối mặt với khó khăn, lạm phát có xu hướng giảm song vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài.
Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Do đó, việc 2 thị trường này giảm nhập khẩu cà phê sẽ tác động tiêu cực lên ngành cà phê thế giới. Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam vào hai thị trường này thời gian qua vẫn tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng cà phê của người dân EU có sự dịch chuyển sang cà phê đặc sản Robusta.
Cà phê robusta đang ngày càng được lựa chọn nhiều hơn khi người uống cà phê trên thế giới thắt chặt chi tiêu, muốn tìm đến một loại cà phê rẻ hơn. Trong khi những người yêu cà phê thường thích cà phê Arabica chất lượng cao thì cà phê Robusta thường rẻ hơn vì cây cứng hơn, ít cần chăm sóc nên dễ sản xuất với số lượng lớn. Loại cà phê này thường được sử dụng trong cà phê hòa tan, cà phê Espresso và cà phê pha sẵn được bán tại các siêu thị.
Hiện nay, hương vị cà phê nguyên chất Việt Nam đã có thể được tìm thấy trên kệ của 550 siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ cao cấp Whole Foods trên khắp nước Mỹ. Khách hàng Mỹ vốn chỉ quen thuộc với hạt cà phê Arabica, nay đã có những trải nghiệm mới về hương vị hạt cà phê Robusta của Việt Nam.
Là hãng sản xuất cà phê thủ công đầu tiên ở Mỹ sử dụng hạt robusta có nguồn gốc 100% tại Việt Nam. Bà Sahra Nguyễn, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Nguyen Coffee Supply cho biết, trước nay cà phê hạt arabica được người Mỹ khá ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay nhiều người Việt tại Mỹ đang khai thác "người anh em" của Arabica là Robusta đến rộng rãi với người dùng tại thị trường này.
"Hạt Robusta có hương vị rất thơm ngon, đậm nhưng vẫn mượt mà, béo ngậy. Đặc biệt là Robusta còn có hơi hướng vị chocolate, điều này rất được ưa chuộng ở những nước có truyền thống cà phê lâu đời như Ý và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới", Sahra Nguyễn nói.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo quý III/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê Robusta.