Theo Tổng Cục Hải quan, tháng 5/2023, Việt Nam xuất khẩu 319.082 tấn dầu thô với trị giá 220,99 triệu USD, tăng 78% về lượng và 78,9% về trị giá so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, dầu thô xuất khẩu tăng 57% về lượng và 17% về trị giá.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 1,21 triệu tấn dầu thô với trị giá đạt 833,7 triệu USD, tăng 19% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu dầu thô sang 6 thị trường là Thái Lan, Australia, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 471.907 tấn, đạt 320 triệu USD, tương đương gần 40% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp đến là Australia với 416.947 tấn (288 triệu USD), Singapore với 104.958 tấn (58 triệu USD), Trung Quốc với 69.762 tấn (66 triệu USD), Hàn Quốc với 36.287 tấn ( 25 triệu USD) và Nhật Bản với 35.686 tấn (22 triệu USD).
Liên quan đến thị trường xăng dầu, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nguồn cung xăng dầu đáp ứng đủ tiêu dùng 5 tháng đầu năm. Tổng nguồn nhập khẩu và sản xuất đạt 9.779 triệu m3/tấn, trong đó nguồn nhập khẩu chiếm khoảng 42% và sản xuất trong nước chiếm hơn 52%.
Cùng với lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, nguồn xăng dầu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước.
Trong nước, nguồn cung xăng dầu từ 2 nhà máy, gồm: Nhà máy lọc dầu Bình Sơn và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn khá ổn định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống kinh doanh xăng dầu cũng đã có nhiều kinh nghiệm, các bộ, ngành, địa phương có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và gỡ khó cho doanh nghiệp.
Trước đó, liên quan đến câu chuyện vì sao vừa xuất khẩu, lại phải nhập khẩu dầu thô, một chuyên gia dầu khí cho biết điều này liên quan đến chủng loại dầu thô. Theo đó, dầu thô trên thế giới có nhiều loại khác nhau và có sự khác biệt về tính chất. Có loại dầu sản xuất ra nhiều xăng, có loại dầu thô lại sản xuất ra nhiều D0, có loại có thể sản xuất được dầu nhờn nhưng có loại không thể sản xuất được dầu nhờn. Có loại sản xuất được nhựa đường nhưng có loại không thể sản xuất được nhựa đường. Ngoài ra, có loại dầu thô chứa nhiều tạp chất, có loại dầu thô ít tạp chất.
Nhà máy lọc dầu thông thường được thiết kế chỉ để chế biến một số loại dầu thô nhất định, không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng được và không phải loại dầu thô nào đưa vào sản xuất cũng có hiệu quả tối ưu.
Chính vì thế, có loại dầu thô Việt Nam sản xuất ra không phù hợp với nhà máy lọc dầu Dung Quất nên buộc phải xuất khẩu đi thu tiền về, và mua loại dầu thô phù hợp về để chế biến. Tất nhiên, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất thiết kế ban đầu là để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ ngày càng ít và một số mỏ có dầu thô khác với công nghệ được thiết kế cho lọc dầu Dung Quất. Cho nên Việt Nam phải bán các loại dầu đó đi để nhập về những loại dầu thô phù hợp với thiết kế của nhà máy này.
Thương hiệu Pháp luật