Tại Bảng xếp hạng những thương hiệu F&B hàng đầu Việt Nam năm 2024 do Công ty Nghiên cứu thị trường Decision Lab công bố đã chỉ ra những thương hiệu dẫn đầu về sức khỏe thương hiệu tổng thể cũng như những thương hiệu cải thiện nhiều nhất trong năm vừa qua.
Theo đó, các thương hiệu được xếp hạng dựa trên chỉ số Index của YouGov BrandIndex - một chỉ số đo lường sức khỏe tổng thể của thương hiệu được tính bằng cách sử dụng điểm trung bình của các thước đo: Ấn tượng chung, chất lượng, giá trị sản phẩm, sự hài lòng, mức độ giới thiệu và danh tiếng của doanh nghiệp.
KFC tiếp tục đứng đầu Bảng xếp hạng những thương hiệu F&B tốt nhất năm 2024 tại Việt Nam với 27,5 điểm, vượt xa các chuỗi đồ ăn nhanh khác. Tuy nhiên, chỉ số Index của KFC đã tụt giảm 1,3 điểm so với tổng số điểm 28,8 trong năm 2023.
Ba vị trí tiếp theo đều thuộc về các thương hiệu cà phê và trà của Việt Nam. Cụ thể, Highlands Coffee giữ vị trí Á quân với điểm số 25,2. Trung Nguyên Legend, đạt được điểm số là 21,8, bật lên vị trí thứ ba. Chuỗi Phúc Long Coffee & Tea đạt được điểm số là 17,9 xếp ở vị trí thứ tư.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Hàn Quốc, Lotteria, giảm hai thứ hạng xuống vị trí thứ năm, với điểm số 17,7. Các thương hiệu khác nằm trong top 10 bao gồm The Coffee House (16,2), McDonald's (15,3), Jollibee (15,2), Starbucks (12,5), và Pizza Hut (11,9).
Cùng bảng xếp hạng tổng thể, Decision Lab còn công bố top 5 thương hiệu với nhiều cải tiến nhất trong thời gian qua. Theo đó, Trung Nguyên Legend và Jollibee dẫn đầu Bảng xếp hạng thương hiệu cải thiện nhiều nhất với số điểm tăng lần lượt là 3,9 và 2,5 điểm. Highlands Coffee giữ vững vị trí thứ 3, tăng 1,5 điểm. Texas Chicken và Cộng Cà phê lọt vào top 5 với 1 điểm tăng so với cùng kỳ.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực truyền thống gồm: đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng tiếp đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655 nghìn tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Trước đó, khi phân tích về ngành F&B, Công ty Kirin Capital từng nhận định có 6 xu hướng nổi bật trong năm 2024. Thứ nhất, làn sóng đồ uống tiện lợi. Nhu cầu ngày càng cao cho sự tiện lợi và nhanh chóng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Với chi phí đầu tư hợp lý, vị trí thuận tiện, cùng menu đa dạng phù hợp với mua mang đi và giao hàng, phân khúc này hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024.
Thứ hai, nhu cầu “ăn sạch, uống sạch” tăng cao. Trong năm 2023 vừa qua, có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều “hot trend” ăn uống nổi lên từ xu hướng “ăn sạch, uống sạch” này, điển hình như các loại bánh ăn kiêng, trà sữa keto, bánh trung thu healthy, hay bánh ngọt không đường…
Xu hướng này vừa là thách thức cho các người đứng đầu nhãn hàng, đòi hỏi thương hiệu phải nhanh nhạy “bắt trend” để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời cũng vừa là cơ hội cho những ai muốn bước chân vào ngành F&B. Tận dụng trend ăn uống healthy đang đạt đỉnh, những người mới trong ngành có thể thành công thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và nhanh chóng kiếm được lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh của mình. Đến năm 2024, xu hướng “ăn sạch, uống sạch” hứa hẹn vẫn sẽ tiếp tục được nhiều người quan tâm.
Thứ ba, cuộc đua Michelin, nâng tầm đẳng cấp ẩm thực Việt. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà hàng cao cấp để nhận giải thưởng Michelin danh giá đang trở thành xu hướng nổi bật. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, các thương hiệu F&B đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng. Cuộc đua Michelin không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng và trải nghiệm. Nắm bắt xu hướng chung của thị trường, các doanh nghiệp F&B sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng để thu hút và giữ chân thực khách. Thứ năm, chuyển đổi số trong kinh doanh F&B. Kinh doanh F&B được xem là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số rất nhanh tại Việt Nam. Đầu tiên, các cơ sở kinh doanh chuyển từ kinh doanh offline, chỉ bán hàng tại chỗ, sang kinh doanh online và tích hợp đa kênh.
Marketing online cũng là một xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thị trường F&B Việt Nam. Rõ nhất có thể nhìn vào các nhà hàng, quán cà phê, hoặc ngay cả những quán ăn bình dân cũng đầu tư lập fanpage, tạo website, thậm chí là thiết kế ứng dụng riêng để xây dựng hình ảnh thương hiệu và hệ thống tiện ích cho hoạt động kinh doanh của mình.
Thứ sáu, cơ hội ngành F&B cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây là “miếng bánh” hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt mục tiêu tham gia đầu tư, nhất là dưới hình thức nhượng quyền thương mại. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm trở lại đây, hơn 50% thương vụ nhượng quyền được ký kết tại Việt Nam đều thuộc lĩnh vực F&B. Chính sự thay đổi hành vi người dùng trở nên hiện đại và sẵn sàng chi tiêu hơn, Việt Nam được mong đợi trở thành top 3 quốc gia châu Á trong lĩnh vực kinh doanh F&B.
Ngoài ra, với sự chuyển đổi kỹ thuật số cho việc trải nghiệm ăn uống, nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao tăng cao, cùng với sự hiểu biết về xu hướng và tư duy mới trong kinh doanh F&B cũng là những điểm nổi bật khiến các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến thị trường Việt Nam.
Hiện nay, các thương hiệu F&B Việt cũng đang dần thận trọng hơn đến quá trình sản xuất và hoạt động vận hành của mình, từ việc chọn nguyên liệu đầu vào, dây chuyền chế biến, đóng gói, cho đến nâng cấp chất lượng dịch vụ… Điều này cho thấy các thương hiệu Việt đang có những động thái để củng cố và giữ vững vị thế của mình không chỉ với các đối thủ từ nước ngoài mà còn để cạnh tranh với những đối thủ nội địa.