Tập đoàn Bảo Việt vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2024 của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên với nhiều con số đạt được khá ấn tượng.
Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 đạt gần 42.700 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2023, trong đó phí bảo hiểm gốc là hơn 42.600 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng mang về cho Bảo Việt hơn 12.680 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, chi cho bồi thường và trả tiền bảo hiểm năm 2024 đạt hơn 36.660 tỷ đồng, giảm gần 1.770 tỷ tương ứng với gần 5% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất của Bảo Việt ghi nhận lần lượt đạt 2.620 tỷ đồng và 2.157 tỷ đồng, tăng trưởng 17,2% và 16%, vượt kế hoạch cả năm ở mức khá cao.
Năm 2024, Tập đoàn Bảo Việt cũng đã chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10,037% trên mệnh giá cổ phiếu, tương đương hơn 745 tỷ đồng cổ tức cho các cổ đông.

Đáng chú ý, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt tại thời điểm 31/12/2024 đạt 251.286 tỷ đồng (tương đương hơn 10 tỷ USD), tăng 13,6% so với thời điểm năm 2023. Trong khi đó nợ phải trả tăng thêm gần 29.000 tỷ đồng khi đạt 227.711 tỷ so với con số của năm 2023 là gầ 198.843 tỷ.
Tính đến hết năm 2024, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là trên 33% so với năm 2023, tương ứng đạt 1.510 tỷ đồng. Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục dẫn đầu về tổng doanh thu phí và doanh thu khai thác mới.
Trong khi đó, mảng bảo hiểm phi nhân thọ tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 11.928 tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%, lợi nhuận sau thuế đạt 298 tỷ đồng, tăng trưởng 2,9% so với năm 2023.
Tập đoàn Bảo Việt là một DN tài chính đa ngành tại Việt Nam hiện đang có 6 công ty con và một Quỹ đầu tư. Ngoài ra, Bảo Việt còn tham gia đầu tư vào 6 công ty liên danh, liên kết khác.
Một con số đáng lưu tâm là giá trị thuần các khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn Bảo Việt tính đến 31/12/2024 đạt 231.546 tỷ đồng (khoảng 9,2 tỷ USD).
Theo đó, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn cuối năm đạt gần 100.441 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn bao gồm chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngắn đáo hạn. Ở chứng khoán kinh doanh, công ty nắm danh mục đầu tư trị giá 3.457 tỷ đồng, tăng thêm gần 400 tỷ so với cùng kỳ năm 2023, và đang trích lập dự phòng giảm giá 202 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu chiếm 3.287 tỷ đồng chủ yếu là các cổ phiếu bluechip như ACB, CTG, VNM, chứng chỉ quỹ 292 tỷ đồng và trái phiếu là 81 tỷ đồng.

Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn trị giá 100.441 tỷ đồng. Đây là 96.312 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, đem lại thu nhập ổn định cho Bảo Việt, tăng thêm hơn 17% so với cùng kỳ. Cùng với đó là 4.129 tỷ đồng tạm ứng từ giá trị hoàn lại.
Đối với đầu tư tài chính dài hạn, đạt 123.543 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng thêm gần 34% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi chiếm 28.256 tỷ đồng, trái phiếu chiếm 95.288 tỷ đồng (26.291 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 68.996 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ). Được biết, các lô trái phiếu có lãi suất đến 8,9% mỗi năm.
Bên cạnh đó, 2.887 tỷ đồng Tập đoàn Bảo Việt đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết và 1.279 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác.
Trong đó, Bảo Việt đang đầu tư nhiều nhất tại Bảo Việt Bank (1.913 tỷ đồng), Trung Nam Phú Quốc (431 tỷ đồng), Tokio Marine Việt Nam (315 tỷ đồng), Tập đoàn SSG (225 tỷ đồng), Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (170 tỷ đồng), VEAM (293 tỷ đồng)...