Tại Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank đã có những chia sẻ về triển vọng kinh tế cũng như xu hướng thị trường chứng khoán trong bối cảnh FED vẫn đang giữ mặt bằng lãi suất ở mức cao.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất lần thứ 11, liệu nền kinh tế Mỹ đã ổn định chưa?
Các số liệu vĩ mô của Mỹ hiện đang có sự cải thiện về chỉ số lạm phát, giảm từ mức 9% xuống còn 3%. Đó là những tín hiệu khích lệ cho FED trong cuộc chiến chống lạm phát của mình. Điều đó cho thấy bước đi của họ đang đúng hướng và sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được mức lạm phát mục tiêu. Bên cạnh đó, số liệu GDP quý II vẫn rất tốt, Mỹ chưa hề có dấu hiệu suy thoái như dự báo. Một vài số liệu khác và đặc biệt là số liệu liên quan đến thị trường lao động vẫn đang mạnh, giá tiền lương cũng tăng và đối với nền kinh tế khi tiền lương vẫn tăng thì sức tiêu dùng vẫn mạnh. Chính vì thế, chỉ số giá nhà có giảm nhưng chưa như mong muốn. Với các yếu tố này, chúng tôi cho rằng FED sẽ theo dõi rất kỹ một số chỉ số vĩ mô trong thời gian tới, nhất là liên quan đến thị trường lao động cũng như những chỉ số trong rổ CPI như giá nhà để tính toán xem bước tiếp theo trong động thái chính sách.
FED cũng bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới thay vì chấm dứt việc tăng lãi suất như kỳ vọng ban đầu của giới đầu tư? Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Có thể trả lời chắc chắn là họ sẽ không giảm lãi suất từ nay đến ít nhất 6 tháng tới, đấy là quan điểm rõ ràng của chúng tôi. Còn việc có nâng lãi suất nữa hay không thì theo định hướng của FED, họ sẽ còn một lần nâng lãi suất nữa khoảng 0,25% nhưng thời điểm nâng là khi nào thì thì hiện tại sẽ khó đoán hơn. Bản thân FED họ cũng đã nói rằng tình huống trong giai đoạn sắp tới sẽ khá là 50/50, họ sẽ theo dõi rất chặt chẽ các tín hiệu kinh tế để đưa ra quyết định nhưng họ cam kết là việc tăng lãi suất sẽ chưa dừng lại và đặc biệt chưa thể hạ ngay trong năm nay. Như vậy, chúng tôi đánh giá, FED sẽ vẫn có một lần tăng lãi suất nữa và sau đó sẽ dừng tăng lãi suất và có thể chuyển sang sử dụng những công cụ khác trong việc điều tiết thanh khoản cho thị trường.
Trong trường hợp FED có thể tăng lãi suất thêm ít nhất 1 lần nữa như dự báo hoặc ngược lại thì theo ông, dòng vốn toàn cầu sẽ như thế nào với các yếu tố đã phân tích ở trên?
Tất nhiên là nếu không tăng lãi suất thì thị trường chứng khoán sẽ rất vui. Còn nếu FED vẫn duy trì tăng lãi suất thì rõ ràng dòng tiền sẽ vẫn ở quanh đó. Chúng tôi đánh giá sẽ không thể có một kỳ vọng giống như giai đoạn 2012, 2013 khi mà nền kinh tế Mỹ thực sự suy thoái nặng. Lúc đó, FED phải dùng chính sách nới lỏng định lượng, thì tiền lúc đó được bơm ra rất mạnh, và tràn qua sang các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên. Nhưng trong tình huống hiện tại chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có trường hợp tương tự xảy ra, mà FED sẽ duy trì trạng thái rất thận trọng trong việc điều tiết lãi suất, điều tiết thanh khoản, để giúp họ đạt được cả hai mục tiêu là lạm phát được kiểm soát cũng như suy thoái kinh tế không xảy ra hoặc nếu có xảy ra cũng nhẹ. Chúng tôi cho rằng, dòng tiền sẽ chảy sang thị trường mới nổi hoặc cận biên. Với Việt Nam, có thể dòng tiền sẽ đến từ những thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay là Thái Lan. Về dài hạn, bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam chúng ta cần phải tự nâng nâng cấp, đặc biệt làm sao lọt được vào rổ chỉ số thị trường mới nổi Emerging Markest, khi đó dòng tiền ngoại mới giải ngân được.
Trong nước, VN-Index đã phục hồi lên quanh mức cản 1.200 điểm với thanh khoản tăng mạnh. Ông dự báo thị trường ra sao trong thời gian tới?
Thanh khoản thị trường đang phục hồi rất tốt, đặc biệt là từ tháng 5 tiền đã vào lại tài khoản chứng khoán giúp thị trường quay trở lại mức 1.200 điểm. Hiện tại, ngưỡng 1.200 điểm đang là ngưỡng tâm lý của mọi người. Theo chúng tôi đánh giá thì mức thanh khoản hiện tại khác với giai đoạn mà thị trường cố gắng vượt 1.200 điểm cách đây một, hai năm. Thanh khoản lần này là thanh khoản mạnh và khá vững ở mức 800 đến 900 triệu USD/ngày. Đặc biệt, tiền ở trong nước, không phải là giai đoạn tiền nóng của một số nhà đầu tư nước ngoài giai đoạn trước chảy vào xong chảy ra rất nhanh trên thị trường. Chúng tôi cho rằng là 1.200 điểm của hiện tại là mức khá hợp lý đối với thị trường, thậm chí nếu so sánh tương quan giữa khả năng sinh lời của thị trường chứng khoán ở tại thời điểm hiện tại và nhìn 6 tháng tiếp theo so với phần lãi suất tiền gửi thì thị trường chứng khoán đang hấp dẫn hơn. Cụ thể, trong trường hợp năm nay chúng tôi chỉ tính là tăng trưởng 4% đến cuối năm 2023 thì định giá thị trường với P/E hiện tại khoảng là 12,7 lần. Và 12,7 lần tương đương với mức khả năng sinh lời là 7,8% cho kỳ hạn sáu tháng và rõ ràng tiền gửi sáu tháng hiện tại đang có mức lãi suất chỉ mức 6,5% và chắc chắn xu hướng trong thời gian tới sẽ còn giảm tiếp. Chính vì thế, nó sẽ giữ tiền của nhà đầu tư cá nhân ở trong thị trường chứng khoán một thời gian nữa, ít nhất là 6 tháng.
Chúng ta có thể chứng kiến ý định chốt lời của một số nhà đầu tư đã bắt đáy thành công ở giai đoạn cách đây 5 tháng. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tôi nghĩ là khó có thể quá mạnh, chỉ dao động từ 1%- 2%, bởi khi thị trường xuống quá khoảng 1.180, cầu bắt đáy sẽ tăng lên rất nhanh. Chính vì thế với thanh khoản, tỷ suất sinh lời như thế này, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên trong ngắn, trung hạn. Tôi cho rằng thị trường hoàn toàn có thể tiến đến ngưỡng 1.250. Khi đó phần định giá, so sánh khả năng sinh lời sẽ giảm bớt mức chênh lệch so với tiền gửi và biến động của thị trường sẽ cao hơn.
Quan điểm của chúng tôi cho cả năm nay thì thị trường chứng khoán sẽ vẫn là xu hướng đi lên đến giai đoạn cuối năm, khi chúng ta nhìn sang năm 2024, bức tranh bắt đầu sáng hơn, thì thị trường sẽ thu hút thêm các dòng tiền, đặc biệt là dòng tiền của nước ngoài sẽ quay trở lại để giúp thị trường chứng khoán có thể chinh phục những mốc cao hơn 1.300 cho năm 2024.
Vậy nhà đầu tư nên làm gì vào lúc này? Theo ông?
Chúng tôi cho rằng, từ mức 1.200 trở đi và càng lên cao nữa thì lúc đó liên quan đến câu chuyện đánh giá xem định giá của cổ phiếu nào, ngành nào còn đủ sức hấp dẫn và khả năng tăng trưởng. Chúng ta đã thấy ngành nguyên vật liệu, đầu tư công, hạ tầng đã chạy, ngành bất động sản hiện tại cũng đang là ngành tăng tiếp theo. Còn ngành mà vẫn đang chưa có sự tăng trưởng mạnh về giá là ngành ngân hàng và ngành bán lẻ. Nếu chúng ta nhìn vào triển vọng 6 tháng sắp tới và xa hơn thì đây là hai ngành lớn đáng chú ý. Ngoài ra còn có ngành bất động sản, nhưng trong ngành bất động sản, tôi cho rằng phần lựa chọn cổ phiếu phải kỹ hơn rất là nhiều, bởi bất động sản trong chu kỳ sắp tới liên quan đến chính sách, sẽ sàng lọc nhà đầu tư bất động sản rất chặt, khi Luật bất động sản mới ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng triển khai dự án, biên sinh lời của từng nhà phát triển bất động sản và nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ hơn.