Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Trong 4 ngân hàng nêu trên thì 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Cùng với đó là Ngân hàng Đông Á (DongABank) cũng bị bị kiểm soát đặc biệt từ 2015.
Tuy nhiên, việc chuyển giao này là khá phức tạp và phải qua nhiều thủ tục trước khi trình Chính phủ phêt duyệt. Đến nay, các bên liên quan đang xây dưng phương án cơ cấu lại các ngân hàng này để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.
- VietinBank lãi gần 6.000 tỷ trong quý 1, hệ số CIR tiếp tục giảm và nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống
- TS. Nguyễn Hữu Huân: Fed khó dừng tăng lãi suất vì First Republic Bank, phải từ quý III lãi suất Việt Nam mới giảm mạnh
- Tài sản Eximbank giảm hơn 1.300 tỷ trong quý I, lợi nhuận tăng nhờ giảm trích lập dự phòng
Hiện nay, còn 1 ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB. Tuy nhiên, đơn vị này không nhắc tên ở đợt chuyển giao này. Thông tin từ NHNN cho biết, hiện đang làm các bước đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này.
Các ngân hàng kiểm soát đặc biệt hiện đang có khoản thua lỗ khá lớn và đây chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình cơ cấu lại khi thực hiện tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư muốn tham gia vào các ngân hàng này.
Con số có được đến cuối 2019, OceanBank lỗ luỹ kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 4 năm gần đây, họ đã liên tục giảm lỗ luỹ kế, năm 2021 cũng là năm lỗ thấp nhất từ 2016 đến nay. Còn CBBank có lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ đồng đến cuối 2019.
Thực tế, việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được bắt đầu từ gần 2 năm nay sau khi được Bộ Chính trị đồng ý về mặt chủ trương. Qua 2 mùa ĐHCD năm 2022 và 2023, các ngân hàng lớn có năng lực, đồng ý nhận chuyển giao cũng đã lộ diện và công bố chủ trương để xin ý kiến cổ đông thông qua. Dù chưa công bố chính thức, nhưng các cặp ngân hàng bắt buộc chuyển giao và nhận chuyển giao đã dần được thị trường xác định.
Tại ĐHCĐ năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là đơn vị đầu tiên lấy ý kiến cổ đông về phương án nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng yếu kém. Năm 2023, vấn đề này tiếp tục làm nóng ĐHCĐ với việc khẳng định chắc chắn hơn về kế hoạch và các bước thực thi. Tên tuổi ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc chưa công bố nhưng thông tin bước đầu xác định là Oceanbank.
ĐHCD 2022, lãnh đạo Vietcombank đã trình bày kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. Tại ĐHCĐ 2023, Vietcombank tiếp tục nói về kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Trên thị trường từ lâu đã đồn đoán về khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank. Thực tế, với việc hỗ trợ quản lý điều hành CBBank gần 8 năm qua, đây là cái tên được cho là nằm trong kế hoạch của Vietcombank.
Trong khi đó, tại ĐHCĐ năm 2022, khi trả lời cổ đông về khả năng tham gia tái cơ cấu, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Sang ĐHCĐ năm 2023 mới đây, lãnh đạo VPBank khẳng định, VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng.
Giữa năm ngoái, HDBank chính thức đề xuất chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu. Thực tế, cách đây nhiều năm, đã có thông tin về việc HDBank hỗ trợ tái cơ cấu DongA Bank. Và không khó để dự đoán DongA Bank và HDBank sẽ tiếp tục con đường tái cơ cấu trước đây.