Vietcombank tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Với vai trò là một ngân hàng chủ đạo và chủ lực của hệ thống, Vietcombank luôn ưu tiên phát triển bền vững, xây dựng một thương hiệu Ngân hàng xanh vì cộng đồng.

Với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, Vietcombank đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, nhất là đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; dự án xử lý chất thải và phòng, chống ô nhiễm; nông nghiệp xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh và giao thông bền vững.

Trong giai đoạn 2018-2021, tổng dư nợ tín dụng xanh của ngân hàng này tăng mạnh qua các năm (từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021). Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 thế nhưng Vietcombank vẫn có tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh ở mức dương và đạt 28% so với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020. Vietcombank cũng tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 với quy mô lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.

Vietcombank tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh - Ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tới cuối năm 2022, dư nợ cho các dự án xanh tại Vietcombank đã chiếm trên 4% tổng dư nợ của Ngân hàng. Theo đó, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm ~87,3%, các dự án quản lý nước bền vững chiếm 7,2%, dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên ~1,3%, xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm ~1,3%, công nghiệp xanh ~1%, nông nghiệp xanh ~1%, công trình xanh và giao thông bền vững ~1%. Đặc biệt, trong năm 2022 hoạt động tài trợ vốn trung dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã tăng trưởng gần 350%, thể hiện sự ưu tiên định hướng tín dụng cho các ngành phát triển bền vững tại Vietcombank.

Ngày 29/3/2023, Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo. Khoản vay sẽ hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ rất quan tâm hiện nay.

Ngày 22/3/2024, Vietcombank đã tổ chức thành công Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tại Trụ sở chính, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với 6 bài tham luận tâm huyết đến từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Hội thảo đã cung cấp một bức tranh tổng thể về xu hướng tín dụng xanh, cơ hội và thách thức, cũng như gợi mở các định hướng phát triển cho Vietcombank.

Phát triển ít phát thải là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và xu hướng này sẽ tạo ra một nguồn lực tài chính lớn trên phạm vi toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu năng lượng từ “nâu” sang “xanh”.   

Tại nước ta, chủ đề tài chính xanh ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của Chính phủ, doanh nghiệp và công luận, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mục tiêu thách thức đưa Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong thời gian tới, tăng trưởng xanh, bền vững và tín dụng xanh đã trở thành một chương trình nghị sự quan trọng được Chính phủ tiếp tục quan tâm thúc đẩy. 

Thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã và sẽ tiếp tục ưu tiên gia tăng quy mô và tỷ trọng tín dụng cho các ngành sản xuất và tiêu dùng ít phát thải, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh, các dự án chuyển đổi năng lượng xanh… Tuy vậy, việc xây dựng và mở rộng danh mục tín dụng xanh an toàn, hiệu quả đã và sẽ tiếp tục đòi hỏi Ngân hàng phải giải quyết nhiều thách thức liên quan tới nguồn vốn, cơ chế ưu đãi, quy trình thẩm định và quản lý danh mục chuyên biệt, xây dựng các sản phẩm dịch vụ tài chính xanh khả thi, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Bích Ngọc