Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh

Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh, ông Phạm Thanh Hà- Phó Thống đốc NHNN cho biết.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà/ Nguồn ảnh sbv. 

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, ngay sau Hội nghị COP26, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong đó có NHNN…

Tuy nhiên, việc thúc đẩy tín dụng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, đó là chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu, nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng.

Còn vướng mắc trong giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng, do thiếu quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Mặt khác, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đi đôi với thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, nên các tổ chức tín dụng gặp khó trong cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định.

Để khắc phục những khó khăn trên, cần phải có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Cũng cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo thêm kênh huy động vốn để các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, trong giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, Chính phủ sẽ tập trung vào phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh. Vì vậy, cần có những quy định, tiêu chuẩn cho các bên cung cấp và phát hành trái phiếu xanh, để đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh.

“Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh như đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy kinh tế…”, ông Hà cho biết.