Việt Nam có hơn 5.400 người siêu giàu, bằng 1/2 Singapore, cao ngang ngửa New Zealand, Áo

Báo cáo The Wealth Report 2025 cho biết Việt Nam hiện có 5.459 cá nhân sở hữu tài sản trên 10 triệu USD, xếp thứ sáu trong khu vực Đông Nam Á.

Số liệu này được trích từ mô hình đo lường quy mô tài sản của Knight Frank, tổ chức nghiên cứu bất động sản và tài sản toàn cầu. Theo đó, nhóm người sở hữu tài sản ròng từ 10 triệu USD (không bao gồm bất động sản để ở) – còn gọi là HNWI (High-net-worth individuals) – tại Việt Nam chiếm khoảng 0,2% tổng số người siêu giàu toàn cầu.

So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines về số lượng HNWI.

nguoi-giau-chau-a-1744426357.png
 

Trên phạm vi toàn cầu, số người sở hữu từ 10 triệu USD trở lên tăng 4,4% trong năm 2024. Khu vực châu Á tiếp tục là nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, đạt trung bình khoảng 5%. Riêng tại Việt Nam, trước đại dịch, tốc độ tăng HNWI từng đạt 5–18% mỗi năm, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Sau COVID-19, mức tăng ổn định trở lại, dao động từ 2,4–5%.

Knight Frank cho biết, 44% các văn phòng quản lý tài sản gia đình (family offices) trên toàn cầu đang lên kế hoạch tăng tỷ trọng đầu tư vào bất động sản trong vòng 18 tháng tới. Xu hướng này phản ánh quan điểm phổ biến rằng bất động sản là một tài sản ổn định dài hạn, có khả năng giữ giá và sinh lợi tốt trong môi trường lãi suất biến động.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng được Knight Frank liệt kê trong nhóm các thị trường bất động sản cao cấp đang nổi tại châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh Tokyo, Singapore và Malaysia. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư tại thị trường mới nổi nhưng tiềm năng này.

Trước đó, một báo cáo khác của McKinsey & Company ước tính tài sản tài chính cá nhân tại Việt Nam có thể đạt khoảng 600 tỷ USD vào năm 2027. Giai đoạn 2011–2021, tài sản cá nhân tại Việt Nam tăng trưởng kép 15% mỗi năm, cao gấp đôi so với mức trung bình khu vực.