Vì sao tỷ giá vẫn ổn định dù NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành

admin
Việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hàn đã khiến lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm mạnh từ 4% về mức gần 0%. Diễn biến này khiến khoảng cách giữa lãi suất qua đêm liên ngân hàng tại Việt Nam và lãi suất quỹ liên bang Fed (đang ở mức khoảng 5,3%) ngày càng nới rộng.
giam-lai-suat-dieu-hanh-1691588868.jpeg
 

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Chứng khoán Maybank (MBKE) cho biết có những lo ngại khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi cắt giảm lãi suất quyết liệt trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì sự thận trọng. Sự trái ngược trong chính sách giữa Fed và NHNN có thể tạo áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, mối lo này vẫn chưa trở thành hiện thực và tỷ giá USD/VND vẫn ổn định cho đến nay. Tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang trong 7 tháng đầu năm nay sau khi NHNN Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm % đến 1,5 điểm %. Cùng thời gian đó, Fed cũng đã thắt chặt thêm 4 lần, nâng lãi suất thêm 1 điểm %.

Theo MBKE, nguyên nhân khiến tỷ giá vẫn ổn định là do thặng dư thương mại đạt 15 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023 và triển vọng kinh tế sáng sủa hơn trong nửa cuối năm 2023 và sang 2024.

Trong ngắn hạn, chính phủ đang đặt nhiều ưu tiên hơn cho phục hồi kinh tế. Vì vậy, MBKE cho rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng rằng việc VND mất giá khoảng 2-3% so với USD trong 12 tháng tới sẽ không ảnh hưởng tới lập trường chính sách của chính phủ và sự phục hồi kinh tế.

Tại báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tỷ giá có sự biến động kể từ đợt cắt giảm lãi suất điều hành hồi tháng 5/2023, vốn đã khiến lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm mạnh từ 4% về mức gần 0% như hiện nay. Diễn biến này khiến khoảng cách giữa lãi suất qua đêm liên ngân hàng tại Việt Nam và lãi suất quỹ liên bang Fed (đang ở mức khoảng 5,3%) ngày càng nới rộng.

"Các trạng thái đầu cơ chênh lệch lãi suất sẽ gây áp lực cho tỷ giá tuy nhiên biến động tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN nhờ dòng thặng dự thương mại và dự trữ ngoại hối tăng", VDSC nhận định.

giam-lai-suat-dieu-hanh-1-1691588868.jpeg
 

Trong thời gian tới, VDSC cho rằng, biến động tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN nhờ (1) Nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu (-17,1% trong 7 tháng đầu năm 2023) khiến cho cán cân thương mại tăng cao kỷ lục (15,23 tỷ USD); (2) Kiều hối chuyển về TP.HCM tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ; (3) Cung-cầu ngoại tệ không căng thẳng như nửa cuối năm 2023, NHNN đã mua vào hơn 6,3 tỷ USD (tương đương 148 nghìn tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm 2023.

Dự báo trong nửa cuối năm 2023, Chứng khoán VNDirect nhận thấy một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND, bao gồm:

Thứ nhất, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng;

Thứ hai, lạm phát trong nước có thể tăng từ cuối quý III/2023.

Tuy vậy, VNDirect cho rằng tỷ giá VND năm nay sẽ được hỗ trợ tốt hơn so với nửa cuối năm 2022 bởi thặng dư thương mại duy trì mức cao (7 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất siêu 16,5 tỷ USD, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, FDI và kiều hối ổn định. Đồng thời, các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

"Nhìn chung, chúng tôi cho rằng tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023", Báo cáo VNDirect nhận định.

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (VWAS) do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết có 3 yếu tố giúp tỷ giá năm nay ổn định, USD khó “sốt” trở lại.

Thứ nhất, chỉ số USD index đã giảm từ mức 115 điểm cuối năm ngoái còn 102 điểm và có thể giảm thêm về ngưỡng 100 điểm. Ông Nghĩa cho rằng, USD index khó tăng trở lại trong bối cảnh thế giới đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay.

Thứ hai, giá hàng hóa nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu – gây áp lực với tỷ giá nhất là trong mùa đông tới. Song, ông Nghĩa nhận định áp lực này không lớn do Bộ Tài chính vẫn còn dư địa hỗ trợ NHNN để giữ cho giá xăng dầu không tăng mạnh (gây áp lực lên lạm phát).

Thứ ba, liệu cán cân thương mại của Việt Nam có bị thâm hụt không?. Theo ông Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm và tháng 7 thặng dư thương mại của Việt Nam vẫn lớn, góp phần bổ sung vào cán cân thanh toán. Qua đó, NHNN có thể mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.

“Đây là các yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá thời gian tới không còn mạnh. Tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định”, ông Nghĩa dự báo và cho rằng “Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”.

{