Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đạt 589 USD/1 tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường có mức giá bình quân của mặt hàng này cao nhất trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo lý giải của một số doanh nghiệp, nguyên nhân được cho là Trung Quốc đã thông báo mở cửa nhập khẩu trở lại. Ngoài ra, nước này cũng đang cần những nguồn cung thay thế mới cho các dòng gạo phẩm cấp thấp để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cạnh đó, gạo của Việt Nam lại được lợi thế về giá. Trong khi đó, các nguồn cung chính là Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm, còn Pakistan thì đang sụt giảm sản lượng.
Nhận định về thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cho rằng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng. Nguyên nhân do hạn hán kéo dài khiến sản lượng niên vụ 2021 - 2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022 - 2023.
Trước đó khi nhận định về thị trường xuất khẩu gạo những tháng tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang…, buộc các nước tăng cường dự trữ lương thực, nên ngành gạo có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho hay: “Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi tăng. Tại các nước châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi”.
Ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 7-8 triệu tấn, thu về 4 tỷ USD trong năm nay. Với tín hiệu thị trường thuận lợi như hiện tại, việc chinh phục mốc này không quá khó, nhưng làm sao để xuất khẩu nhiều với giá cao mới là đích mà các doanh nghiệp hướng tới.