Theo lý giải của một số doanh nghiệp, nguyên nhân khiến trái cây trở thành mặt hàng được xuất khẩu mạnh trong tháng đầu năm là do Trung Quốc mở cửa khẩu, cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 đã tạo đà cho xuất khẩu năm 2023. Thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách “Zero Covid”. Trung Quốc cũng đã cấp phép để sầu riêng, chanh leo và khoai lang của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, những loại quả khác như thanh long, xoài, chuối… cũng sẽ được Trung Quốc tăng nhập khẩu, bởi nước này vừa trải qua hạn hán, nhiều diện tích canh tác bị ảnh hưởng. Do đó, nông sản Việt có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu, nhất là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, thủy sản... thu về giá trị cao tại các thị trường khó tính.
Ngoài ra, nhu cầu tại các thị trường cũng tăng trong dịp lễ hội đầu năm nên trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới các thị trường như Hàn Quốc, thị trường Đài Loan, Hà Lan… cũng tăng trưởng tốt trong tháng đầu năm.
Theo ghi nhận, tại các cửa khẩu ở tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan. Cụ thể, tại cửa khẩu Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 20 -26/1/2023), đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 285 tờ khai hải quan thông quan qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành).Trong đó, 183 tờ khai hàng xuất khẩu với khối lượng 6.452 tấn hoa quả (thanh long, dưa hấu, chuối, mít...).
Còn tại Lạng Sơn, với 5 cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng, Cốc Nam), với việc Trung Quốc khôi phục hoàn toàn việc thông thương từ ngày 28/1 ghi nhận việc xuất khẩu đang rất nhộn nhịp, tăng khoảng 30% so với cùng kì năm ngoái.
Trước những thuận lợi như vậy, các chuyên gia dự báo năm 2023 xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2022. Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023 xuất khẩu trái cây Việt Nam kỳ vọng đạt khoảng 4 tỷ USD. Với chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính, mặt hàng trái cây cũng được dự báo là sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ cán mốc 5 tỷ USD.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đánh giá, với việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Dự báo, năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD.
Còn ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra lời khuyên Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đồng thời các doanh nghiệp cần phải duy trì được chất lượng, an toàn thực phẩm để giữ được thị trường.
Thương hiệu Pháp luật