Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tăng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng là do các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao và tháng 8 là tháng mùa hè cuối cùng của năm, cũng là thời điểm cuối kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên nên các hoạt động du lịch cũng như vui chơi ngoài trời nhộn nhịp hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.043,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước đạt 3.175,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,5% tổng mức và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 12,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 11%; may mặc tăng 8,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,5%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua ước đạt 436,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu 8 tháng năm 2023 của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Đà Nẵng (tăng 40,3%); Cần Thơ (tăng 27,2%); Đồng Nai (tăng 23,6%).
Đặc biệt, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm 2023 ước đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 47% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu du lịch tăng cao trong mùa cao điểm và các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du lịch sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ khác 8 tháng năm 2023 ước đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức bán lẻ và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kích cầu tiêu dùng tạo đòn bẩy kinh tế
Liên tục từ đầu năm đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng, các chính sách kích cầu tiêu dùng, các hoạt động quảng bá du lịch được đẩy mạnh, góp phần duy trì tăng trưởng khu vực này và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
Trao đổi với VOV, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp (DN) cũng cần nắm vững và chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước 100 triệu dân.
“Với nguồn thu nhập tăng thêm rất nhanh, nhu cầu hàng hóa đang tăng rất cao, nếu chúng ta đáp ứng được sản xuất kinh doanh sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại. Đây là động lực rất quan trọng để có thể phát triển bền vững trong tương lai”, ông Thịnh nói.
Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa.
TTXVN cũng dẫn lời của Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, thị trường nội địa đã tiếp tục trở thành bệ đỡ cho sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân và được người dân đón nhận. Do đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng được ở mức 2 con số.
Xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.