Bao bì một đường, sản phẩm một nẻo
Theo thông tin chị N.K.C - một người tiêu dùng cung cấp, chị C có mua một gói kẹo Sìu Châu của thương hiệu Toàn Mỹ tại Cửa hàng Easy Mart (địa chỉ 16 Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) với hình ảnh bao bì là những viên kẹo có hình vuông, thành phần chính là lạc được kết dính với nhau bởi đường, có màu đặc trưng là màu vàng, nhưng nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy bên trong là những chiếc kẹo màu trắng, dài không giống với bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Chị C cho biết thêm, kẹo Sìu Châu Toàn Mỹ có màu kẹo không đúng như màu kẹo trong công bố chất lượng mà cơ sở sản xuất (hộ kinh doanh) Triệu Văn Mỹ đã công bố. Cụ thể là trong bản công bố chất lượng số TCHKD 01: 2022/TVM, kẹo Sìu Châu của cơ sở sản xuất (hộ kinh doanh) Triệu Văn Mỹ là màu vàng nhưng kẹo thực tế cơ sở sản xuất (hộ kinh doanh) Triệu Văn Mỹ đã sản xuất kẹo Sìu Châu và bán ra thị trường lại là kẹo màu trắng. Bản công bố kẹo Sìu Châu Toàn Mỹ của cơ sở hộ kinh doanh Triệu Văn Mỹ mà tôi có là do siêu thị cung cấp khi khách hàng yêu cầu.
Bên cạnh đó, chị C đã kiểm tra trên hệ thống cổng thông tin điện tử của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Nam Định). Khi kiểm tra kỹ gói kẹo Sìu Châu Toàn Mỹ (màu trắng); ngoài dấu hiệu sai chất lượng thì chị C còn phát hiện thêm dấu hiệu lừa dối khách hàng về trọng lượng sản phẩm hàng hoá. Cụ thể, trên bao bì sản phẩm cơ sở sản xuất Triệu Văn Mỹ in tại mặt sau túi là 210gr +- 10gr, tại mặt trước túi lại in trọng lượng là 170gr +- 10gr. Trọng lượng gói kẹo thực tế khi cân lên chỉ có 166 gr. Tuy nhiên, siêu thị Easy Mart lại thanh toán, thu tiền mua hàng kẹo Sìu Châu Toàn Mỹ của chị C là tiền của gói kẹo 220g, có Khối lượng tịnh in tại mặt sau túi: 210 +- 10g, khối lượng tịnh in tại mặt trước túi: 170 +- 10g.
Sản phẩm này là của hộ kinh doanh Triệu Văn Mỹ tại xóm Trung, xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số: 07C.001148 vào ngày 10 tháng 7 năm 2013.
Kẹo Sìu Châu vốn là đặc sản của Nam Định, có nguyên liệu là lạc hoặc lạc pha lẫn với vừng kết hợp đường, và một số cơ sở còn pha lẫn một chút gạo nếp thơm. Kẹo Sìu Châu Nam ở Nam Định có hạt lạc to mẩy, không chát, miếng kẹo ăn vào miệng sẽ giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Tuy nhiên bên trong bao bì gói kẹo mà chị C mua lại là sản phẩm được cho là kẹo dồi, có hình trụ, phần vỏ kẹo trắng, bên trong là phần đậu phộng rang, có vị ngọt và giòn.
Theo quy định, bao bì nhãn mác sản phẩm của nhà sản xuất phải cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin như: Thành phần, khối lượng, ngày sản xuất, địa chỉ, màu sắc, hình ảnh trên bao bì nhãn mác phải nêu bật nội dung bên trong để nếu sản phẩm bên trong bị che khuất, người tiêu dùng cũng có thể hình dung được hình dáng, màu sắc của sản phẩm, nhưng với gói kẹo Sìu Châu mà chị C đã mua thì bao bì không những không cung cấp đúng thông tin, hình ảnh của sản phẩm mà bao bì một đằng, sản phẩm một nẻo. “Về giá bán, tôi không biết sản phẩm trên có sự chênh lệch về giá hay không, nhưng hình ảnh bao bì không đúng với sản phẩm bên trong thì đây là hành vi gian lận thương mại, lừa dối khách hàng” - chị C khẳng định.
Vi phạm nhãn hiệu hàng hóa
Theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa; Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Như vậy có thể thấy rõ mục đích, vai trò, chức năng của việc ghi nhãn hàng hóa không chỉ là đối với nhà sản xuất mà nó có ý nghĩa, tác động đến với cả 3 nhóm đối tượng trong mối quan hệ “Người tiêu dùng” , “Nhà sản xuất, kinh doanh” và “Cơ quan Quản lý Nhà nước”.
Để làm rõ nội dung mà chị C phản ánh, nhóm phóng viên đã trực tiếp tới Cửa hàng Easy Mart (địa chỉ 16 Tam Trinh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để xác minh thông tin, tuy nhiên, nhân viên bán hàng tại đây đề nghị PV làm việc với chị Hường - là quản lý cửa hàng. Tiếp tục liên lạc với chị Hường, phóng viên được người này hướng dẫn sang Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Easymart để làm việc trực tiếp với lãnh đạo của công ty. Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Trần Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & Dịch vụ Easymart, tuy nhiên người này kiên quyết không trả lời điện thoại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định cho biết sản phẩm kẹo sìu châu trong hình ảnh sai với tem mác, bao bì sản phẩm. Đại diện lực lượng Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định cũng khẳng định, kẹo dồi khác với kẹo sìu châu, việc đóng gói sản phẩm mà không đúng với mẫu trên bao bì là sai, vi phạm nhãn hàng hóa và hiện đơn vị này đang phối hợp với cơ sở sản xuất xác minh sự việc trên.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến nội dung này, phía chị N.K.C đã làm Đơn tố giác gửi tới Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo Khoản 3, Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó… được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 1.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng…
n) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, và m khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: Lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú ý, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi; hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.