Thủ tướng yêu cầu loại bỏ tài khoản ngân hàng không chính chủ

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch; phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công điện cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện và đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự.

Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khẩn trương kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch trực tuyến của tài khoản doanh nghiệp; triển khai giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài. Khẩn trương tổ chức kết nối thông tin, dữ liệu về tài khoản (cá nhân, doanh nghiệp) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, phòng ngừa tội phạm.

tai-khoan-khong-chinh-chu-1743819006.jpg
 

NHNN cần yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp Bộ Công an kết nối hệ thống, tiếp nhận thông tin về danh sách tài khoản, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để cảnh báo cho khách hàng khi thực hiện giao dịch, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thiệt hại xảy ra; kết nối hệ thống tiếp nhận, trả lời yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản điện tử để tiết kiệm nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại cùng các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch.

Cũng tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương (không tổ chức công an cấp huyện).

Bộ Công an cũng phải phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo, cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoIP, ứng dụng OTT...

Còn Bộ Quốc phòng được yêu cầu cần chỉ đạo các lực lượng tổ chức trinh sát, giám sát, thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, nắm chắc tình hình trên không gian mạng để kịp thời có biện pháp đối phó với các hoạt động ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với NHNN có phương án đối khớp thông tin chủ tài khoản, người đại diện hợp pháp với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ví điện tử.

Bộ Khoa học và Công nghệ còn phải chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông chưa đầy đủ, không chính xác theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính có nhiệm vụ nắm bắt, phát hiện doanh nghiệp sau khi được thành lập không phát sinh hoạt động kinh doanh thực tế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác thực thông tin người đại diện pháp luật và người được ủy quyền, “làm sạch” dữ liệu về thông tin doanh nghiệp; chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho Bộ Công an nhằm phòng ngừa, xử lý việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần tổ chức kết nối thông tin, dữ liệu về thuế của cá nhân, doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, phòng ngừa tội phạm.