SBT: Áp lực chi phí cao, tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc hoạt động tài chính

Doanh thu thuần nửa đầu niên độ 2023-2024 của SBT tăng 9,4%, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ nhích nhẹ 1,5% so với cùng kỳ do áp lực chi phí tăng cao như chi phí nguyên vật liệu, chi phí lãi vay. Cả niên độ 2023-2024, FPTS dự báo tăng trưởng lợi nhuận của SBT sẽ đến từ doanh thu tài chính (lãi tiền gửi, lãi cho vay,...).
sbt1-bien-hoa-1708067903.jpeg
 

Áp lực chi phí tăng cao

Doanh thu thuần nửa đầu niên độ 2023-2024 của Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (HoSE: SBT) đạt 13.387 tỷ đồng, tăng 9,4% so với mức nền cao của niên độ trước. Trong khi sản lượng tiêu thụ giảm 6,3%, đạt 640.000 tấn. Theo Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), nguyên nhân của sự biến động ngược chiều này là giá đường.

Theo đó, giá bán trung bình đường thành phẩm của SBT tăng 16,1% trong nửa đầu niên độ 2023-2024 so với cùng kỳ, nằm trong xu hướng tăng của giá đường trong nước và giá đường thế giới.

Sự sụt giảm sản lượng của SBT chủ yếu do kênh tiêu thụ nội địa do hoạt động thương mại đường không lại lợi nhuận hiệu quả khi nguồn nguyên liệu đường giá rẻ từ Thái Lan và 5 nước ASEAN bị áp thuế phòng vệ thương mại khiến giá nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên, sự thiếu hụt của kênh nội địa đã được bù đắp bởi kênh xuất khẩu (chiếm 35% doanh thu) khi sản lượng kênh này tăng đến 23%.

Biên lãi gộp của SBT trong nửa đầu niên độ 2023-2024 dù cải thiện 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ lên mức 10,8%, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước do tỉ lệ tự chủ nguyên liệu mía sản xuất của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, giá đường thế giới tăng kéo theo chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh.

Lợi nhuận sau thuế của SBT nửa đầu niên độ 2023-2024 đạt 385,8 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ 1,5% so với mức thấp cùng kỳ niên độ trước bất chấp doanh thu tăng trưởng. Theo FPTS, nguyên nhân đến từ áp lực chi phí tài chính tăng mạnh 61,9% so với cùng kỳ, đạt 1.780 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 78%, đạt gần 1.499 tỷ đồng tương đương tăng 57,4%.

Dư nợ của SBT tăng trung bình 21% so với cùng kỳ, đạt tổng cộng hơn 14.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2023. Lãi vay trung bình ước tính tăng 2,9% điểm phần trăm lên mức 12,6%/năm trong nửa đầu niên độ 2023-2024. Theo FPTS, so với mức trung bình của các doanh nghiệp mía đường và thực phẩm – đồ uống, tỉ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của SBT đang cao gấp khoảng 3 lần, đạt 126% (tính tới cuối năm 2023).

Nợ vay của SBT chủ yếu là nợ ngắn hạn (hơn 12.662 tỷ đồng), nhằm phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động như thu mua mía nguyên liệu, hỗ trợ vốn cho nông dân trồng mía, mua đường thô nguyên liệu,…

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động tài chính

Theo FPTS, sản lượng tiêu thụ đường của SBT niên độ 2023-2024 dự kiến đạt 1,3 triệu tấn, tương đương sản lượng tiêu thụ của niên độ trước do có phần chững lại sau giai đoạn biến động tăng mạnh. Trong đó, kênh tiêu thụ nội địa dự kiến không quá biến động bởi nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định vì đường là sản phẩm thiết yếu, đồng thời thị phần của SBT cũng duy trì ổn định ở mức 46% nhờ tệp khách hàng sản xuất công nghiệp nội địa quen thuộc với lợi thế cạnh tranh của SBT ở khả năng cung ứng các đơn hàng lớn.

Sản lượng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu dự báo tăng trưởng 5%, bù đắp cho sản lượng sụt giảm ở kênh thương mại do hoạt động thương mại đường kém hiệu quả. Kênh xuất khẩu sẽ phát triển nhờ các thị trường xuất khẩu mới thông qua công ty con chuyên về thương mại hàng hóa tại Singapore và các thị trường hiện tại còn nhiều tiềm năng tăng trưởng bằng sản phẩm thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh cao, trong đó thị trường lớn nhất hiện nay là Trung Quốc.

Biên lãi gộp niên độ 2023-2024 dự kiến đạt 11,1%, cải thiện nhẹ so với nửa đầu niên độ và đạt tương đương mức biên lãi gộp của niên độ 2022-2023 do giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn neo cao.

Lợi nhuận sau thuế của SBT niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ cải thiện từ mức nền thấp của niên vụ 2022-2023, đạt khoảng 687 tỷ đồng tương đương tăng 13,7% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ các khoản doanh thu tài chính tăng 16%. FPTS ước tính lợi nhuận từ lãi tiền gửi của SBT sẽ tăng 11% so với cùng kỳ, đến từ các khoản tiền gửi ngân hàng, cho vay, đầu tư tài chính, ứng trước cho nhà cung cấp,…

Bên cạnh mảng đường, trong thời gian tới, SBT có kế hoạch phát triển mảng thực phẩm – đồ uống, mục tiêu đóng góp 30-40% doanh thu vào năm 2030. SBT hiện đã đưa ra thị trường các dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ dừa, chuối trồng tại vùng nguyên liệu sở hữu của doanh nghiệp.