Sau Mỹ, tới lượt châu Âu cân nhắc cấm đầu tư vào công nghệ cao Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, Ủy ban châu Âu (EC) và Anh cho biết họ đang cân nhắc để đưa ra động thái tương tự.
ong-nghe-cao-trung-quoc-1691767153.jpg
 

Ngày 10/8, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC sẽ phân tích lệnh cấm của Mỹ liên quan tới các khoản đầu tư mới của nước này vào Trung Quốc trong một số dự án công nghệ cao.

“Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ và mong muốn tiếp tục hợp tác trong vấn đề này", người phát ngôn EC cho hay.

Theo truyền thông Anh, Thủ tướng nước này Rishi Sunak cũng đang cân nhắc xem có nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài vào một số lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, tương tự như động thái của Mỹ hay không.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden ngày 9/8 đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc, bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).

Sắc lệnh yêu cầu các công ty phải báo cáo Chính phủ Mỹ về kế hoạch đầu tư mới vào ba lĩnh vực nói trên ở Trung Quốc.

Sắc lệnh dự kiến có hiệu lực từ năm tới, nhằm ngăn chặn nguồn vốn và chuyên môn của Mỹ giúp phát triển các công nghệ có thể hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Sắc lệnh này tập trung vào vốn cổ phần tư nhân, vốn mạo hiểm, liên doanh và đầu tư vào lĩnh vực xanh.

Theo Financial Times, động thái này sẽ có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm, cũng như nhà đầu tư Mỹ trong liên doanh với đối tác Trung Quốc.

Một số chuyên gia kỳ vọng, sức ép từ Washington có thể thúc đẩy sự tự lực của Trung Quốc về khoa học và công nghệ trong dài hạn.

Giới chức Mỹ hy vọng một số nước sẽ hành động theo khi họ dẫn đầu, tuy nhiên ngoài EC và Anh, một số đồng minh thân cận của Mỹ không thực sự hào hứng với chính sách mới này. Giới chức Nhật Bản mới đây cho biết nước này không có ý định sửa đổi luật liên quan các khoản đầu tư vào Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, các chuyên gia của nước này thừa nhận việc thiếu đi nguồn vốn từ các nhà đầu tư Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghệ của nước này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc dường như đã “chai lỳ” với những lệnh cấm của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nguồn vốn dồi dào và không hề thiếu hụt.

Xem thêm >> Country Garden khủng hoảng nợ chấn động Trung Quốc: Từ vốn hóa 50 tỷ USD đến cổ phiếu penny dưới 0,2 USD