Theo Bloomberg, có một làn sóng lạc quan chưa từng thấy xung quanh các cổ phiếu ngân hàng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kể từ bong bóng chứng khoán của nước này vào năm 2015. Các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào các ngân hàng có yếu tố nhà nước và tin rằng đây sẽ là động lực cho một đợt phục hồi được chờ đợi từ lâu trên thị trường chứng khoán nước này.
Chỉ số tài chính CSI 300 đã tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 8/5 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Đà tăng này cũng góp thêm 166 tỷ USD vào giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp trong CSI 300 Financials. Những cái tên nổi bật là các ngân hàng quốc doanh như China Citic Bank Corp. và Bank of China Ltd. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015, cổ phiếu các ngân hàng này tăng kịch trần 10%.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, các nhà đầu tư đang đặt cược vào việc nhà chức trách sẽ cho phép các ngân hàng quốc doanh tiếp cận nguồn vốn lớn hơn và đóng một vai trò quan trọng hơn. Ngoài những yếu tố mang tính chính sách, việc các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc giảm lãi suất huy động để gia tăng tỷ suất lợi nhuận cũng khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự bùng nổ của các cổ phiếu ngân hàng được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư hơn là tác động từ cách chính sách đến hoạt động của họ. Các ngân hàng Trung Quốc vừa công bố kết quả kinh doanh không có gì tươi sáng. Các nhà phân tích cho rằng những áp lực này sẽ không sớm kết thúc trong năm nay bởi lãi suất cho vay cũng được hạ xuống nhằm vực dậy nền kinh tế.
Dẫu vậy, cú tăng mạnh của cổ phiếu các ngân hàng Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 8/5 cũng không thường xảy ra nếu không muốn nói là rất hiếm. Hiện tại, các nhà đầu tư coi đây là những cổ phiếu tiềm năng do chúng bị giao dịch thấp hơn nhiều so với giá trị và còn không sinh lời tốt bằng mức trung bình của thị trường. Những lo ngại về nợ xấu liên quan tới bất động sản cũng như một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại từng gây tác động không nhỏ lên các cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, dữ liệu của Bloomberg cho thấy giá trị các ngân hàng lớn có trụ sở tại Thâm Quyến và Thượng Hải đang được giao dịch ở mức 0,6% giá trị sổ sách, thấp hơn đáng kể so với mức 0,8% trong trung bình 5 năm qua. Trong khi đó, ở phần còn lại của châu Á, giá các cổ phiếu ngân hàng thương tương đương với giá trị trên sổ sách.
Zeng Jiqing, Giám đốc điều hành của Beijing Nuohua Fund Management Co, nói rằng: “Thị trường thường ưa chuộng các tài sản ít biến động, được định giá thấp với dòng tiền ổn định ở giai đoạn các điều kiện kinh tế bị thắt chặt cùng sự không chắc chắn khiến các nhà đầu tư hoang mang”.