Tối 5/3, các nền tảng của Meta, bao gồm Facebook và Instagram, đã ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian.
Biểu hiện chung của sự cố kỹ thuật này là khiến hàng loạt người dùng trên toàn thế giới gặp phải tình trạng bị tự động 'văng' khỏi tài khoản của mình. Sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến ứng dụng Facebook mà còn lan sang Messenger và nền tảng web, gây ra sự bất tiện lớn và làm gián đoạn trải nghiệm người dùng.
Thống kê từ chuyên trang theo dõi sức khỏe mạng xã hội Downdetector, hơn 100.000 người dùng trên toàn cầu đã báo cáo về tình trạng lỗi của nền tảng mạng xã hội Facebook.
Tài sản của Mark Zuckerberg 'bốc hơi' khoảng 2.4 tỷ USD
Vào thời điểm sự cố xảy ra, giá cổ phiếu của Meta, tập đoàn sở hữu các ứng dụng trên, đã bất ngờ bị giảm xuống gần 2% (phiên giao dịch ngày 5/3) dù ở các phiên trước, cổ phiếu của tập đoàn được ghi nhận đang trong đà tăng trưởng.
Theo dữ liệu của Forbes, hiện tại mỗi cổ phiếu của Meta đang được giao dịch trên sàn Nasdaq (Mỹ) với giá trị 488 USD (khoảng 12 triệu đồng). Với việc giảm 2%, vốn hóa của Meta so với thời điểm trước khi sự cố xảy ra đã giảm khoảng 20 tỷ USD và thu hẹp xuống còn 1.225 tỷ USD.
Theo đó, cho tới sáng nay 6/3 (theo giờ Việt Nam), theo dữ liệu cập nhật thời gian thực của Forbes, khối tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã giảm 1,56%, tương đương mức giảm 2,7 tỷ USD. Hiện ông chủ Meta đang nắm trong tay 171,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 thế giới.
Hiện tại, các ứng dụng thuộc sở hữu của Meta đều đã hoạt động bình thường trở lại.
Meta đang làm ăn ra sao?
Sự cố này diễn ra trong bối cảnh Meta đang trải qua những thay đổi lớn về nhân sự và chiến lược kinh doanh. Công ty đã thực hiện việc cắt giảm đáng kể số lượng nhân viên, với hơn 20.000 vị trí đã bị loại bỏ trong 4 đợt cắt giảm từ cuối năm ngoái. Mục tiêu của những động thái này là để 'thắt lưng buộc bụng', như một cách thể hiện sự cẩn trọng trước một tương lai không chắc chắn của công ty, đặc biệt là trong bối cảnh đầu tư vào vũ trụ ảo.
Hệ sinh thái Meta hiện hoạt động với 67.300 nhân viên trên toàn cầu, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Zuckerberg, chiến lược đã giúp công ty hoàn thành mục tiêu đề ra của năm 2023 là doanh thu tăng 16% và lợi nhuận tăng 69%.
Đặc biệt, công ty này cũng thành công trong việc tăng trưởng người dùng, kiếm tiền từ tính năng video ngắn trên Istagram và ra mắt thành công Threads.
Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trong thời gian gần đây sau thời gian bết bát. Năm 2022, cổ phiếu Meta giảm 65%, khiến vốn hóa công ty bốc hơi 600 tỷ USD. Tuy nhiên, năm nay, cổ phiếu đại gia mạng xã hội đã tăng hơn 170%.
Lợi nhuận quý IV/2023 tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước, lên 14 tỷ USD. Doanh thu cũng tăng 25%, lên hơn 40 tỷ USD. Số người dùng hoạt động hàng ngày tăng 6% so với cùng kỳ năm trước đó, lên hơn 2,1 tỷ USD. Threads, đối thủ của X, cũng đã đạt 130 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.
Bên cạnh đó, giá quảng cáo trung bình của Meta tăng 2% so với cùng kỳ năm trước đó. Quảng cáo hiện vẫn là nguồn thu chủ chốt của hãng này, với 38,7 tỷ USD quý trước, tăng gần 24%.
Sự cố không phải lần đầu
Đây không phải lần đầu tiên các nền tảng thuộc Meta gặp sự cố ngưng hoạt động. Năm 2021, hàng loạt dịch vụ Facebook không thể truy cập trên mọi các nền tảng và ở nhiều khu vực trên toàn cầu, kéo dài trong suốt 6 tiếng đồng hồ.
Theo đó, năm 2021, Forbes đưa tin Zuckerberg đã mất 5,9 tỷ USD do sự cố ngừng hoạt động toàn cầu của Facebook, Instagram và WhatsApp. Giá cổ phiếu công ty Meta đã mất 4,8% do sự cố Facebook 'sập'. Việc ngừng hoạt động còn làm công ty mất doanh thu 60 triệu USD doanh thu quảng cáo.
Theo Mashable, tác động của sự cố Facebook 'sập' chắc chắn sẽ lan xuống các doanh nghiệp nhỏ. Một số nhận thấy mức độ tương tác và lưu lượng truy cập giảm, trong khi những người khác thấy doanh số bán hàng của họ bị ảnh hưởng trực tiếp do các kênh truyền thông xã hội bị gián đoạn.
"Doanh số bán hàng của tôi chỉ bằng 1/4 so với bình thường (do sự cố). Tôi cảm thấy lo lắng về mức độ phụ thuộc của mình vào nền tảng này để kinh doanh. Tôi có thể cần phải xem xét lại tất cả ngân sách tiếp thị của tôi đều đổ vào Facebook", Lucy Jeffrey, người sáng lập hãng bán lẻ tất sợi tre chia sẻ.
Trên thực tế, Mashable dẫn số liệu từ Tổ chức giám sát quyền trực tuyến và quản trị Internet NetBlocks ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại 160 triệu USD mỗi giờ khi Facebook, Instagram và WhatsApp ngừng hoạt động.
Ở nhiều quốc gia, sự kết hợp của Facebook, Messenger khiến nó trở thành cửa hàng bán hàng thương mại điện tử thiết yếu cho hàng chục triệu doanh nghiệp lớn, nhỏ bởi các nền tảng này thường được sử dụng làm công cụ liên lạc với khách hàng.