Cần siết chặt quản lý quảng cáo trên YouTube và Facebook

admin
Chiều ngày 30/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng vấn đề quảng cáo trên mạng và đưa ra hướng giải pháp.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, YouTube, Facebook cùng một số mạng xã hội khác đang cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền/cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.

Điển hình khi diễn ra World Cup 2022, Facebook xuất hiện rất nhiều quảng cáo liên quan đến cá độ bóng đá, nhưng gần như nền tảng này không có động thái nhằm ngăn chặn, xử lý.

Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ: "Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc nhiều lần với các nền tảng, tuy có sự chuyển biến nhưng còn rất chậm trong khắc phục xử lý, nhất là Facebook. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các nền tảng mạng xã hội siết chặt hơn nữa bộ lọc, đồng thời xử lý nhanh chóng những nội dung vi phạm so với pháp luật Việt Nam".

Cần siết chặt quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm trước, pháp luật vẫn còn chưa thực sự chặt chẽ, hoàn thiện trong vấn đề quản lý quảng cáo mạng. Tuy nhiên, thời điểm này đã khác. Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nền tảng tuân thủ chặt chẽ pháp luật Việt Nam. Bộ sẽ xử lý các đơn vị kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài không thông báo thông tin liên hệ. Đối với doanh nghiệp không đặt máy chủ tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các nhà mạng viễn thông xác minh và xử lý, công bố công khai các đơn vị vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã xây dựng danh sách các báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động. Các nhãn hàng có thể quảng cáo an toàn trên các kênh thông tin này. Ngoài ra, Bộ cũng lập danh sách những trang web/kênh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, đưa ra cảnh báo không được phép quảng cáo.

Cũng tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã nêu một số bất cập, khó khăn trong quản lý quảng cáo trên không gian mạng. Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; không thông báo thông tin liên hệ hoặc thông báo chưa đầy đủ; công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng cơ chế quản lý nội dung, bật kiếm tiền cho kênh, tài khoản mạng xã hội của các nền tảng khá lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận, chưa coi trọng việc đảm bảo an toàn cho thương hiệu và tuân thủ quy định pháp luật. Đồng thời, cơ chế xử lý và khắc phục vi phạm của họ cũng thiếu trách nhiệm, không triệt để.

Nói về những kết quả đạt được khi Nghị định 70 về quy định quảng cáo trên mạng được ban hành tháng 7/2021, ông Do cho biết, đã xử phạt 15 cá nhân, doanh nghiệp với số tiền 210 triệu đồng.

Cũng theo ông Do, trong 3 tháng 6, 7, 8 của năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã triển khai kiểm tra đột xuất 6 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với nhà kinh doanh quảng cáo nước ngoài và phát hiện rất nhiều sai phạm. "Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố 73 trang thông tin điện tử vi phạm quy định pháp luật trên cổng thông tin của bộ", ông Do thông tin.

Theo Thương hiệu và Pháp luật

{