Quảng cáo thực phẩm chức năng ngày càng tinh vi
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thường xuyên phát cảnh báo về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.
Trên các website, nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm chức năng. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…
Thậm chí, các quảng cáo này còn sử dụng hình ảnh, thư tín của cơ sở y tế, bác sĩ, quảng cáo kèm theo ý kiến phản hồi của bác sĩ, người tiêu dùng gây hiểu lầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo người dân về tình trạng mạo danh bác sĩ của bệnh viện để bán thực phẩm chức năng. Điển hình là sử dụng hình ảnh, thư tín mạo danh bệnh viện để bán sản phẩm cho người dân. Thậm chí có trường hợp làm giả các giấy tờ, bằng khen của bệnh viện để bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, không ít sản phẩm còn lồng ghép hình ảnh bác sĩ nổi tiếng để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Nhiều bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đầu ngành khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Chợ Rẫy, Nhi đồng... cũng bị mạo danh để lừa bán thuốc điều trị tim mạch, đái tháo đường và thực phẩm chức năng. Không chỉ tốn tiền, nhiều người bệnh sau khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng này đã bị ngộ độc, biến chứng... phải nhập viện cấp cứu, có người bị nhiễm trùng huyết, suy gan, suy thận, bệnh lý nền diễn biến xấu hơn.
Để xử lý vấn nạn quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đã xử phạt, cảnh báo nhiều đơn vị nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì lợi nhuận mà nhiều đơn vị vẫn bất chấp vi phạm quy định pháp luật.
Khớp Tây Bắc quảng cáo sai công dụng
Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh về việc TPBVSK Khớp Tây Bắc có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi quảng cáo sai công dụng sản phẩm.
Cụ thể, mở đầu trang website https://www.songxanh.io.vn/, Khớp Tây Bắc cam kết dứt điểm các triệu chứng đau nhức xương khớp lâu năm như: thoái hóa các khớp, khô mỏi khớp, thoát vị, phồng đĩa đệm, tê bì chân tay, đau mỏi cổ vai gáy, khớp kêu lục cục, gút sưng đỏ...
Cũng theo quảng cáo, Khớp Tây Bắc được ca tụng là “cứu tinh” của bệnh nhân đau xương khớp... được hàng nghìn bà con sử dụng và đạt hiệu quả tích cực sau 7 ngày. Thậm chí, để người bệnh chi tiền mua sản phẩm, tổ chức kinh doanh còn “dụ” người dùng đăng ký mua liệu trình để có cơ hội trúng 1 chỉ vàng, kèm theo là đăng tải hình ảnh bà Nguyệt – giới thiệu là khách hàng chia sẻ: “Sau khi tôi đăng ký tư vấn mua thử 1 liệu trình và nhận được 1 thẻ cào may mắn, sau khi cào thẻ thì thật bất ngờ tôi trúng được giải thưởng cao nhất là 1 chỉ vàng 9999, tôi muốn lan tỏa niềm vui này đến nhiều người hơn để mọi người có thể trúng được vàng và nhiều giải thưởng khác giống như tôi”.
Hay để tạo uy tín cho Khớp Tây Bắc, tổ chức kinh doanh còn sử dụng hình ảnh bác sĩ, bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm là trái quy định pháp luật.
Ngoài ra, nhiều trang website khác cũng quảng cáo Khớp Tây Bắc có công dụng như thuốc điều trị bệnh xương khớp. Do đó, tòa soạn khuyến cáo người tiêu dùng tìm hiểu kỹ trước khi mua dùng.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích, về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;
Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.
Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.