Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm dùng cho người ăn kiêng, người già và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX). Đây là thực phẩm được chế biến hoặc phối trộn theo công thức đặc biệt nhằm đáp ứng yêu cầu về chế độ ăn đặc thù theo thể trạng hoặc tình trạng bệnh lý và các rối loạn cụ thể của người sử dụng. Thành phần thực phẩm này phải khác biệt rõ rệt với thành phần thực phẩm thông thường cùng bản chất (nếu có). Thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt tiếng Anh là “Food for Special Dietary Uses”.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Trường hợp công bố thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, cá nhân, tổ chức sản xuất phải đảm bảo yêu cầu quy định tại Điều 12 Thông tư 43/2014/TT-BYT. Ngoài ra, căn cứ Điều 26 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt cần đăng ký nội dung trước khi quảng cáo.
Đối với quy định quảng cáo sản phẩm, theo khoản 1, 2, 3 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ quy định sau: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.
Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Nhiều thông tin quảng cáo sai sự thật về sản phẩm Gercumax Gold
Mặc dù thực phẩm (trong đó có thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt) không phải là thuốc và quy định cấm quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc đã có, tuy nhiên, thời gian gần đây, sản phẩm Gercumax Gold lại đang quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, gây hiểu nhầm với thuốc.
Sản phẩm Gercumax Gold do Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany (địa chỉ tại số 2 Ngách 90/1/42, Tổ 9, Đường Khuyến Lương, Phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) phân phối. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Phạm Văn Mạnh.
Theo thông tin trên nhãn sản phẩm, Gercumax Gold chỉ có công dụng “ngừa loãng xương, giúp xương chắc khoẻ, tăng cường miễn dịch, giúp hỗ trợ hệ tiêu hoá”. Tuy nhiên, thời gian qua, sản phẩm này được quảng cáo với nhiều công dụng “thổi phồng”, không đúng bản chất công dụng, chất lượng sản phẩm này.
Cụ thể, trên trang Facebook “Gercumax Gold-sữa hạt xương khớp”, sản phẩm Gercumax Gold được quảng cáo là “sữa hạt xương khớp chuyên biệt cho cô bác đau xương khớp được săn đón hàng đầu. Bổ sung dinh dưỡng và giải quyết tình trạng: Đau lưng, đau vai gáy, tê bì chân tay do thoái hoá cột sống, tê lan dọc xuống chân. Viêm sưng đau khớp gối tay chân, vận động đi lại khó khăn.Thoát vị đĩa đệm, cứng khớp đứng lên ngồi xuống, xoay người khó khăn”.
Trang này còn quảng cáo sản phẩm sữa Gercumax Gold có khả năng “tái tạo sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa, tăng khả năng bôi trơn dịch khớp, giúp giảm đau xương khớp”. Tuy nhiên, đây là thông tin sai sự thật, bởi Gercumax Gold chỉ là thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, không phải sản phẩm thuốc. Do đó, không thể “giải quyết” các vấn đề như viêm khớp, đau khớp, giảm đau xương khớp như quảng cáo.
Gercumax Gold được quảng cáo có khả năng giải quyết viêm sưng đau khớp gối, thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, đây là những thông tin sai sự thật.
Một trang Facebook khác mang tên “AMM Pharma” còn khẳng định” việc sử dụng thêm 2 ly Gercumax Gold - sữa hạt xương khớp mỗi ngày sẽ cung cấp lượng canxi cần thiết, giúp cải thiện tình trạng đau nhức và hỗ trợ phục hồi sụn khớp. Đồng thời, ngăn chặn các biến chứng liên quan tới xương khớp”. Tuy nhiên, trên thực tế, Gercumax Gold không có công dụng “ngăn chặn biến chứng liên quan tới xương khớp” quảng cáo.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trang mạng xã hội quảng cáo thái quá về công dụng, chất lượng sản phẩm Gercumax Gold. Việc quảng cáo với các cụm từ như “giảm đau xương khớp, ngăn chặn biến chứng xương khớp, giải quyết đau lưng, đau vai gáy, tê bì chân tay…” dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng Gercumax Gold là một sản phẩm thuốc.
Trong khi đó, theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Sản phẩm Gercumax Gold liệu có ngăn được biến chứng như quảng cáo?
Phản hồi của Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany
Trước việc sản phẩm Gercumax Gold quảng cáo với nhiều thông tin sai sự thật, dư luận không khỏi thắc mắc liệu những trang mạng xã hội đang quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng sản phẩm này có phải do Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany hay các đại lý, cộng tác viên của công ty này điều hành? Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany có chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo này hay không? Nếu khách hàng vì tin vào những quảng cáo sai sự thật và mua sản phẩm, đến khi sử dụng không có hiệu quả, liệu AMM Germany có bồi thường cho khách hàng? Phía AMM Germany có bằng chứng khoa học hay tài liệu khoa học nào chứng minh sản phẩm Gercumax Gold có tác dụng giảm đau nhức xương khớp, viêm sưng khớp gối hay không?
Một trong những nội dung quảng cáo "thổi phồng" chất lượng sản phẩm Gercumax Gold.
Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã gửi Giấy giới thiệu và một số nội dung làm việc tới Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany.
Tới ngày 24/5/2024, phía Công ty TNHH Dược phẩm Quốc tế AMM Germany đã gửi văn bản phản hồi toà soạn. Tuy nhiên, nội dung văn bản không phản hồi thông tin liên quan tới sản phẩm Gercumax Gold mà yêu cầu phóng viên cung cấp Giấy phép hoạt động của tòa soạn, hợp đồng lao động và thẻ nhà báo của phóng viên. Trong khi đó, phóng viên đã gửi Giấy giới thiệu đến công ty. Liệu phía AMM Germany có đang cản trở việc tiếp cận thông tin của phóng viên khi yêu cầu những giấy tờ ngoài quy định của pháp luật và quá mức cần thiết?
Về vấn đề này, trả lời báo chí, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc yêu cầu những hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật thể hiện sự cản trở hoạt động báo chí và nhà báo. Theo luật sư Diệp Năng Bình, phóng viên, nhà báo được hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật...
"Tại Luật Báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Từ năm 2014, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực báo chí chính thức có hiệu lực. Đây được coi là hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người cầm bút, trong đó có cả phóng viên - những 'nhà báo không thẻ'", luật sư nói.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), lực lượng Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với hành vi quảng cáo sản phẩm Gercumax Gold sai sự thật nêu trên.
Theo TS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dù quảng cáo sữa với bất kể hình thức nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là những hành vi pháp luật đã nghiêm cấm. Trong Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ về vấn đề này. Theo TS Trần Việt Nga, đối với những nhóm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, trước khi quảng cáo, nhóm này phải được xác nhận nội dung quảng cáo, tức là muốn quảng cáo nội dung gì thì phải gửi nội dung đó lên cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm soát. Nếu nhận được giấy xác nhận nội dung quảng cáo kèm theo nội dung được duyệt thì mới được quảng cáo. Đơn vị phát hành quảng cáo cũng chỉ được phép phát hành nội dung mà Cục An toàn thực phẩm đã phê duyệt. |