Bán thuốc không xuất hóa đơn VAT?
Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ điện tử thì tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ phải cấp hóa đơn cho người mua. Đồng thời, người mua phải có quyền và trách nhiệm yêu cầu người bán giao hóa đơn khi mua hàng.
Điều 32, Luật Dược 2016 cũng quy định, nhà thuốc bán lẻ là loại hình cơ sở kinh doanh có nghĩa vụ phải cung cấp hóa đơn cho người mua hàng, khi được yêu cầu.
Thời gian qua, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được thông tin phản ánh của bệnh nhân về việc Nhà thuốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT -VAT) cho người mua hàng (mua thuốc), mặc dù đã yêu cầu.
Theo nội dung đơn phản ánh, ngày 11/09/2023, anh N.Q.T (32 tuổi) cho con tới Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên khám do bé có biểu hiện sốt liên tục, nôn nhiều, khó thở... Sau khi thăm khám, bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn anh T. ra quầy thuốc bệnh viện mua thuốc theo đơn chỉ định. Tuy nhiên, sau khi mua đơn thuốc gồm các sản phẩm như: Zebacef 125mg/5ml, Bimilyte, Enfan Blue, Modulin Forte với tổng hóa đơn hơn 700 nghìn đồng, anh T. yêu cầu nhà thuốc xuất hóa đơn VAT nhưng nhân viên bán thuốc trả lời “không xuất được hóa đơn”.
“Tôi ngạc nhiên tại một bệnh viện lớn lại không xuất được hóa đơn theo quy định của pháp luật?” anh T. cho biết.
Theo anh T., sau khi tìm hiểu quyền, nghĩa vụ của người mua hàng, người bán hàng, đặc biệt là trách nhiệm của nhà thuốc bệnh viện, ngày 13/10/2023, anh quay lại đây mua đơn thuốc khác gồm Atussin 60ml, Novothym forte, Enterogermina, Taromentin với hóa đơn hơn 500 nghìn đồng. Lần này anh T. cũng yêu cầu xuất hóa đơn VAT nhưng nhân viên bán thuốc vẫn khẳng định “không có hóa đơn đỏ, chỉ có hóa đơn bán hàng”.
Nhiều nghi vấn cần làm sáng tỏ
Để làm sáng tỏ nội dung trên, phóng viên đã làm việc với bà Nguyễn Thu Hiền – Phụ trách Khoa Dược, ông Vũ Đức Hoàng, bà Phan Hồng Trang đều là nhân viên nhà thuốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên và mới chuyển công tác về viện. Quá trình trao đổi những người này phủ nhận thông tin trên và khẳng định vẫn xuất hóa đơn.
“Trước nay nhà thuốc vẫn xuất hóa đơn và xuất trong ngày chứ không phải mua thuốc 5 - 7 ngày hay 10 ngày mà quay lại lấy hóa đơn...”, bà Phan Hồng Trang khẳng định.
Tuy nhiên, theo video bạn đọc gửi tới tòa soạn thì bà Trang - nhân viên bán thuốc lại trả lời khách hàng tại thời điểm khách mua thuốc là “không có hóa đơn đỏ, chỉ có hóa đơn bán hàng...”. Thậm chí, thêm tài liệu khác cũng thể hiện nhân viên nhà thuốc trả lời khách “không xuất được hóa đơn”.
Vài ngày sau, phóng viên liên hệ lại với phía bệnh viện để làm rõ thêm một số nội dung thì đại diện nhà thuốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên cho rằng: “Hôm đó, lãnh đạo viện là Giám đốc và Phó Giám đốc đã ngồi sẵn sàng bên phòng chỉ cần PV thắc mắc sẽ mời lãnh đạo qua trao đổi ngay...”.
Để tiếp tục làm rõ nội dung, PV đề nghị được làm việc với Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên nhưng không nhận được phản hồi.
Mọi hoạt động kinh doanh hàng hóa, trong đó có mặt hàng thuốc đều rất cần thiết phải minh bạch bằng chứng từ là hóa đơn. Việc các nhà thuốc xuất hóa đơn cho bệnh nhân khi thực hiện giao dịch mua bán cũng chính là trách nhiệm của người bán với bệnh nhân và trước pháp luật, tránh tình trạng nhà thuốc khai khống giá cả, trốn thuế,… Điều 143, Luật Quản lý Thuế 2019 quy định rất rõ về các hành vi trốn thuế trong đó có hành vi: Không xuất hóa đơn bán hàng theo quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa;…
Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân cũng như góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Sản Nhi Hưng Yên, tòa soạn Chất lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, kiểm tra và làm rõ nội dung nêu trên.
Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về hành vi trốn thuế:
3. Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.
5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.