Người đã vay mua nhà như "ngồi trên đống lửa"
Nhiều ngành Ngân hàng đang bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi cho các kỳ hạn ngắn và dài hạn lên mức khá cao. Dấu hiệu này cho thấy, khả năng lãi suất vay sẽ sớm điều chỉnh theo trong thời gian tới.
Từ cuối năm 2021, lãi suất cho vay bình quân chỉ ở khoảng 5%/năm, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mức lãi suất hấp dẫn này thúc đẩy nhiều người tranh thủ vay vốn để mua nhà. Tuy nhiên, với việc các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, những người đã vay mua nhà như "ngồi trên đống lửa".
Theo chia sẻ của chị H đang ở một chung cư ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), gia đình chị quyết định mua căn hộ 70 m2 với giá 1,6 tỷ đồng từ năm 2020, trong đó khoản vay ngân hàng trị giá khoảng 700 triệu đồng có lãi suất thả nổi, áp dụng sau thời gian ân hạn 1,5 năm.
"Lúc mua nhà tôi chỉ tính phương án tài chính với lãi suất trên, nhưng nếu lãi suất thả nổi tăng thì số tiền gốc và lãi mà tôi phải trả cũng tăng lên nhiều, thậm chí có thể vượt quá khả năng tài chính của gia đình", chị H lo lắng:
Tương tự, anh Nguyễn B ngụ tại chung cư Phương Đông Green Park (Hoàng Mai, Hà Nội) - kể, năm 2021 anh có vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua căn hộ. Gói vay của anh kéo dài 20 năm, lãi suất thả nổi và lãi đang trả khoảng 8%/năm.
Đồng thời, anh B chia sẻ thêm: "Hiện tại mỗi tháng tôi chỉ trả 3,6 triệu đồng tiền gốc, trong khi đó lãi cũng khoảng 8 triệu đồng. Thời gian tới, lãi suất cho vay tăng thêm, gánh nặng trả nợ cao hơn. Phương án xấu nhất tôi đang tính đến là bán nhà để trả nợ rồi đi thuê".
Lãi suất cho vay khó tránh giai tăng
Giới chuyên gia phân tích, khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Đặc biệt khi room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn, nên việc tăng lãi vay là khó tránh.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia về tài chính, ngân hàng cho rằng lạm phát Việt Nam đang gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nhưng nếu lạm phát tăng cao, thì mặt bằng lãi suất khó tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay, nhất là khi USD tăng áp lực lên tỷ giá.
Cơ hội để giảm lãi suất huy động và cho vay đã qua. Hiện Việt Nam cần có một chính sách lãi suất phù hợp, có thể tăng nhưng ở mức vừa phải, gắn với việc điều hành tỷ giá hối đoái để đồng nội tệ không mất giá quá cao, ông Lực cho hay.
Cùng với đó TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian qua, thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1, nhất là lãi suất kỳ dài hạn. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế.
Chính vì thế, ông Thịnh khuyến cáo, những người quyết định mua nhà trả góp cần phải tính toán lãi suất về lâu dài, không để vượt quá năng lực tài chính của mình.
Ngân hàng Nhà nước trước đó quyết định tăng một số lãi suất chính sách chủ chốt. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu đều tăng 1 điểm phần trăm lên lần lượt 5,0% và 3,5%/năm. Ngoài ra, trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng. 4 ngân hàng gốc quốc doanh lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn.
Động thái tăng lãi suất của loạt ngân hàng trong vòng 2 tháng trở lại đây đã tác động tới tâm lý người mua nhà trong thời gian này. Thời gian qua, với việc khó sử dụng đòn bẩy tài chính và lãi suất vay có xu hướng tăng lên. Một số chủ đầu tư đã mạnh tay tung ra các chính sách hỗ trợ tài chính cho khách hàng.
Theo KTMT